Hà Nội:

Bệnh viện E "quên" gạc trong bụng bệnh nhân… 4 năm?

(Dân trí) - Trong ca mổ u buồng trứng cho chị Nguyễn Thị Thu Hiền, các bác sĩ bệnh viện K phát hiện một miếng gạc nằm trong bụng bệnh nhân đã tạo thành ổ apxe. Nhưng chị Hiền chỉ được thông báo qua loa về bệnh trạng của mình. Phải đến khi xuất viện, chị Hiền viết thư gửi Ban giám đốc bệnh viện và báo chí thì mọi việc mới dần… “vỡ ra”.

Mối nghi hoặc về khối u có lông

 

Trong lá thư dài hai trang gửi bệnh viện K và báo chí, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã bày tỏ sự băn khoăn và hơn thế là sự ngờ vực về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của mình. Theo như lời chị Hiền do không được cung cấp thông tin đầy đủ, chị rất lo lắng, hoang mang về sức khoẻ hiện tại của mình. Chị kể:

 

Sau khi khám tại bệnh viện K, chị được chẩn đoán: "u nang buồng trứng phải". Ngày 11/4/2006 chị Hiền làm thủ tục nhập viện vào bệnh viện này, rồi chị được chuyển đến khoa ngoại điều trị và phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau khi làm các xét nghiệm cũng như siêu âm, chị Hiền được các bác sĩ thông báo khối u chị mang trong mình là "một u quái và có lông".

 

Hai ngày sau khi nhập viện, ngày 13/4, chị được các bác sĩ của viện K phẫu thuật. Ca mổ của chị không có gì để nói nhiều, nếu không có thông báo của bác sĩ rằng... "đó không phải là u nang buồng trứng mà là khối apxe thành bụng, những sợi lông mà trước đó được chẩn đoán là những sợi chỉ".

 

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, chị Hiền không được biết thêm thông tin gì về khối u đó (u lành hay u ác, do đâu mà có?). Khi xuất viện chị đã chủ động tham khảo ý kiến của một số bác sĩ và được biết "khối u đó có thể là do một vật như bông gạc gì đó tạo nên". Điều này khiến chị Hiền “chột dạ” nhớ tới lần mổ ruột thừa tại bệnh viện E Hà Nội.

 

Trong thư gửi tới bệnh viện K chị Hiền đã đưa ra lời cầu khẩn: "Xin Ban Giám đốc bệnh viện hãy cho tôi biết đầy đủ các thông tin về quá trình phẫu thuật cũng như tình trạng sức khoẻ của tôi hiện tại và sau này".

 

Đâu là sự thật?

 

“... Tôi hoàn toàn không yên tâm về sức khoẻ của mình. Hiện tại tôi mới xây dựng gia đình, chưa sinh con thì việc trên xảy đến với tôi...”, chị Hiền viết trong thư.

Chúng tôi tìm tới bệnh viện K và được các bác sĩ tại đây "đọc lại" quá trình bệnh lí và diễn biến lâm sàng cũng như các thông tin ghi chép trong phiếu phẫu thuật, thủ thuật trong ca mổ của chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Theo đó, căn bệnh của bệnh nhân 24 tuổi này diễn biến trong sáu tháng, bệnh nhân “tự sờ thấy u vùng hố chậu phải”…

 

Trước khi mổ chị Hiền được chẩn đoán: u quái buồng trứng hai bên. Nhưng thực tế sau đó cho thấy chẩn đoán này chỉ đúng "một nửa"... Khi rạch da đường ngang kiểm tra ổ bụng, bác sĩ phát hiện dưới sẹo mổ ruột thừa cũ có một dị vật: một miếng gạc chứa đầy mủ vàng đặc. Vòi trứng trái và quai ruột non dính ổ apxe. Đồng thời bác sĩ cũng phát hiện một u buồng trứng trái có đường kính 2x3 cm.

 

Bác sĩ mổ đã tiến hành gỡ dính, lấy bỏ gạc và tổ chức tạo thành ổ apxe, cắt một đoạn ruột non xước thanh mạc dài 3 cm. Bác sĩ cũng tiến hành bóc u buồng trứng trái, khâu phục hồi phần buồng trứng lành, lau rửa, cầm máu, đặt một dẫn lưu ngoài ổ phúc mạc.

 

Theo như những gì đã được ghi lại thì không còn phải bàn cãi về sự tồn tại của “một sai sót” trong bụng chị Hiền suốt 4 năm qua. Và điều chúng tôi muốn nói nữa là có không ít những vấn đề xung quanh miếng gạc này.

 

Bác sĩ Đặng Thế Căn, PGĐ bệnh viện K cho biết, nếu để gạc cư trú lâu trong người có rất nhiều khả năng xảy ra: có trường hợp khối apxe ngày càng lan rộng ra, có trường hợp gây nhiễm  trùng... Với trường hợp của chị Hiền, bác sĩ Căn cho rằng, apxe đã khu trú, tạo thành khối u giả.

 

Cũng theo bác sĩ Căn, apxe và khối u của chị Hiền hoàn toàn khác nhau về bản chất, không thể có chuyện cái này là nguyên nhân của cái kia. Tuy nhiên, khối u và apxe theo khẳng định của bác sĩ Căn là rất gần nhau. Trả lời câu hỏi “nếu không có khối u thì liệu có phát hiện được băng gạc trong người chị Hiền”, ông Căn cho rằng “vẫn có thể”. Vì xung quanh miếng gạc tạo thành khối apxe, nên khi sờ vào có thể thấy đau, thậm chí thấy gồ lên (thực tế bệnh nhân cũng đã tự sờ thấy “khối u” của mình).

 

Các bác sĩ viện K đã cung cấp nhiều thông tin, nhưng chúng tôi đã không có cơ hội để chụp lại phiếu phẫu thuật, thủ thuật trong ca mổ của chị Hiền. Và chúng tôi không thể không băn khoăn: tại sao chị Hiền chỉ được biết “đó không phải là khối u buồng trứng mà là khối apxe thành bụng”, ngoài ra không được biết gì hơn (kể cả khối u thật)? Lãnh đạo viện K nắm sự việc ra sao mà không có một lời giải thích cụ thể nào kể từ khi kết thúc ca mổ cho đến khi chị Hiền viết đơn?

 

Câu trả lời cho những câu hỏi trên là cần thiết, nhưng quan trọng hơn nữa, bệnh viện E - nơi đã mổ ruột thừa cho chị Hiền cách đây 4 năm sẽ nói gì?

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 

Tân Vân