Bệnh viện công nên chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư?

(Dân trí) - Trước thực trạng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện công lên tới 110% trong khi bệnh viện tư chỉ hoạt động với 60% năng lực, có ý kiên cho rằng việc giảm tải hoàn toàn có thể thực hiện được nếu bệnh viện công chuyển người bệnh sang bệnh viện tư.

Cảnh thông thoáng ở 1 bệnh viện tư (Ảnh: Vân Sơn)
Cảnh "thông thoáng" ở 1 bệnh viện tư (Ảnh: Vân Sơn)

Bệnh viện tư: bệnh nhân đến thưa thớt

Y tế tư nhân là lĩnh vực mới phát triển mạnh mẽ ở nước ta trong vài thập niên trở lại đây. Theo thống kê của Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2004 cả nước mới chỉ có 40 bệnh viện nhưng đến nay số lượng đã lên tới 170 bệnh viện với hơn 8,6 nghìn giường bệnh. Cơ sở vật chất kỹ thuật vừa mới vừa hiện đại là thế mạnh của các bệnh viện tư nhân.

Nhưng hệ thống y tế tư nhân đang tồn tại những bất cập khiến nhiều bệnh viện lâm vào cảnh “lao đao”. Dù cơ sở vật chất hiện đại nhưng bệnh viện tư nhân thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có chất lượng. Hầu hết các bệnh viện tư đều chưa xây dựng được thương hiệu cho mình; thêm vào đó, chi phí điều trị cao đang là trở ngại trong việc thu hút người bệnh. Chính vì thế, số bệnh viện tư có công suất sử dụng giường bệnh đạt 60-85% chỉ chiếm 21,6% công suất sử dụng của các bệnh viện còn lại chỉ đạt dưới 60%.

Tỷ lệ khám chữa bệnh của bệnh viện tư nhân rất thấp, chỉ chiếm gần 7% bệnh nhân điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú. Đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị ở bệnh viện tư nhân là những người có điều kiện kinh tế, những người có thu nhập trung bình ít có cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật khám và điều trị của bệnh viện tư. Bệnh nhân đến điều trị thưa thớt khiến nhiều bệnh viện tư đang trong cảnh thu không bù chi.

Cảnh chen lấn trên giường bệnh tại bệnh viện Ung Bướu
Cảnh quen thuộc tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM (Ảnh: Vân Sơn)

Bệnh viện công lập: Quá tải trầm trọng

Trái ngược với sự vắng vẻ của các viện tư là tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện công lập, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Tim mạch, Sản và Nhi, công suất sử dụng tại các bệnh viện công luôn ở mức 90 - 110%. Đặc biệt tại các tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh thậm chí vượt 120%, bệnh nhân luôn phải điều trị trong tình trạng chật chội, nằm ghép 3-4 người/giường bệnh.

Cụ thể tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết, chỉ tiêu là 1.300 giường kế hoạch nhưng số giường thực kê chỉ khoảng 630. Vì thế, từ nhiều năm nay bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải với hơn 1.500 bệnh nhân nội trú và hơn 11.000 bệnh nhân ngoại trú. Mặc dù bệnh viện đã triển khai các khoa vệ tinh nhưng tình trạng quá tải vẫn chưa thuyên chuyển.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng quá tải còn trầm trọng hơn. TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, công suất sử dụng giường bệnh của Chợ Rẫy là 135%, cá biệt có khoa công suất lên tới 171%. Quá tải bệnh viện đang gây nhiều khó khăn trong việc điều trị, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân và an ninh trật tự trong bệnh viện.

Tại Hội nghị “Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện (BV) nhà nước và BV tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Chính phủ” diễn ra tại TPHCM và Hà Nội mới đây, Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp chủ trì hội nghị và khẳng định: Mô hình khám bệnh hiện tại vẫn tồn tại nghịch lý, nơi thì quá tải trầm trọng, nơi lại thiếu bệnh nhân. Theo bà Tiến, tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở y tế công lập không chỉ ở khu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mà ngay cả những khoa điều trị theo yêu cầu, khu dịch vụ của BV công cũng không còn giường, bệnh nhân vẫn phải nằm hành lang, người dân khám bệnh vẫn phải xếp hàng kết quả. Trong khi đó, tại hệ thống bệnh viện tư nhân, nhiều bệnh viện có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại, giá thành không cao… nhưng bệnh nhân lại rất vắng.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Kim Tiến (giữa) chủ trì hội nghị

Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Kim Tiến (giữa) chủ trì hội nghị tại Hà Nội (Ảnh: Hồng Hải)

Chuyển bệnh nhân của bệnh viện công sang tư!

Đây là ý kiến chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đệ, Bệnh viện Hợp Lực (Thanh Hóa). Ông Đệ cho rằng: Thực trạng bệnh viện công quá tải thì đã rõ, nhưng vấn đề, bệnh viện công lập thực sự có muốn giảm tải không? Bởi tình trạng quá tải này hoàn toàn có thể được cải thiện nếu bệnh viện công chuyển người bệnh sang viện tư đang thừa giường. Thế nhưng không bệnh viện công nào muốn chuyển bệnh nhân đi, bởi bệnh nhân gắn với quyền lợi, với nguồn thu của bệnh viện.

Trước ý kiến này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, do mức thu viện phí công lập – tư nhân có sự chênh lệch, nên việc chuyển người bệnh từ hệ thống công sang tư không đơn giản. Đến thời điểm này viện phí hệ thống y tế công lập mới chỉ tính 3/7 yếu tố trong khi các BV tư nhân hoạt động theo luật doanh nghiệp nên được tự công bố giá thu bù chi. Vì thế, cần phải có sự tính toán phù hợp thì mới thuyết phục được người bệnh chuyển từ hệ thống y tế công lập (hiện được bao cấp nên giá dịch vụ rẻ) sang hệ thống y tế tư nhân.

Liên quan đến vấn đề viện phí công thấp hơn tư, ông Vũ Thế Hùng, BV Đa khoa Tràng An (Hà Nội) cho rằng người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa tại các bệnh viện tư bị thiệt thòi do họ chỉ được thanh toán 30% tổng số chi phí, tương ứng với những bệnh nhân vượt tuyến. Vì thế, với những chi phí điều trị càng lớn (bệnh nhân phải chi trả 80- 90 triệu đồng cho các phẫu thuật) thì người bệnh càng đắn đo trong việc lựa chọn bệnh viện. Do đó, để có sức “hút” với bệnh nhân, ông Hùng cho rằng, với những dịch vụ y tế mà bệnh viện công làm tốt thì BHYT cũng cần thanh toán mức tương xứng như với hệ thống công lập, có như vậy mới thu hút được người bệnh. Còn nếu vẫn để sự chênh lệch trong thanh toán như hiện nay, thì người bệnh dù phải chờ đợi xếp hàng từ sáng đến chiều nhưng chi phí thấp thì họ vẫn lựa chọn.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực thực hiện chế độ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thừa nhận: “Hệ thống y tế tư nhân vẫn còn sự thiệt thòi trong việc thanh toán BHYT do còn “long đong” trong việc xếp hạng bệnh viện. Trong khi đó, xếp hạng BV quyết định mức giá dịch vụ, danh mục thuốc được BHYT thanh toán, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh” và đề nghị để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển cần phải có những tiêu chí rõ ràng trong xếp hạng bệnh viện hiện tại các bệnh viện tư nhân đủ điều kiện đều được ký hợp đồng khám BHYT để thu hút bệnh nhân.

Táo bạo hơn, BS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Y khoa bệnh viện Quốc tế Thành Đô (TPHCM) hiến kế: “Các bệnh viện tư nên bỏ ra một hoặc một hai khoa để hợp tác thẳng với bệnh viện công, bệnh viện công xem đây như cơ sở của mình trong giờ hành chính có thể hợp pháp hóa việc dịch chuyển các bác sĩ sang làm việc tại bệnh viện tư. Bệnh viện công được bao cấp nên chi phí khám và điều trị tại bệnh viện tư đang cao hơn nhiều so với bệnh viện tư. Bộ Y tế cần chủ trì để các bên bàn thảo, đưa ra một khung giá hợp lý, đáp ứng túi tiền của đa số bệnh nhân nhưng cũng đảm bảo vấn đề tái cơ cấu cho bệnh viện, từ đó dịch chuyển dần bệnh nhân từ bệnh viện công sang bệnh viện tư”.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá: hệ thống bệnh viện tư không chỉ khó khăn do giá viện phí cao hơn bệnh viện công (do được bao cấp) mà họ còn thiệt thòi về thương hiệu so với bệnh viện công. Bộ Y tế sẽ xem xét đề các BV công đầu ngành chuyển gia kỹ thuật cho BV tư. Đặc biệt, một số BV công sẽ thí điểm viện phí tính đúng, tính đủ 100% như BV tư, tự trang trải các chi phí. Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện để hệ thống bệnh viện công, tư phát triển đồng đều và bình đẳng. Với mục tiêu đặt người bệnh làm trung tâm, làm sao để bệnh nhân được thụ hưởng dịch vụ tốt nhất.

Vân Sơn - Hồng Hải