Bệnh thời khủng hoảng kinh tế

(Dân trí) - Theo ý kiến các chuyên gia tâm lý học người Nga, khủng hoảng kinh tế không chỉ “gây bệnh” cho túi tiền mỗi người mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những ai đang hằng ngày phải đối mặt với nó.

Bệnh thời khủng hoảng kinh tế - 1
 
1. Bệnh đường ruột

 

Thu nhập giảm sút, chất lượng ăn uống do đó cũng có phần bị sao nhãng. Điều đó giải thích nguyên nhân tại sao ngày càng nhiều người mắc các bệnh về đường ruột như viêm, loét dạ dày, viêm ruột.

 

Khắc phục

 

Đừng quá lo lắng về túi tiền của bạn, hãy luôn lạc quan vui vẻ, đừng bỏ bữa và nhớ mang cơm đã làm sẵn ở nhà, tuy hơi phiền phức nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

 

2. Thừa cân và các bệnh tim mạch

 

Khủng hoảng kinh tế làm nhiều người phải cắt giảm chi tiêu, không đến các trung tâm thể dục thể thao tập luyện. Thiếu hoặc lười vận động dễ dẫn đến tình trạng thừa cân (thậm chí béo phì). Các bệnh về tim mạch theo đó cũng ngày một gia tăng.

 

Khắc phục

 

Không nên coi thường việc luyện tập thể thao. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, bạn hãy tự tạo cho mình thói quen đi bộ hay chạy bộ.

 

3. Bệnh về phổi

 

Trước tình hình kinh tế ảm đạm, nhiều người vô cùng lo lắng và chán nản, họ liền tìm đến thuốc lá để “xả stress”. Tuy nhiên, hút thuốc lá quá nhiều rất hại sức khoẻ, đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra viêm phổi, ung thư phổi v.v.

 

Khắc phục

 

Nếu không muốn mất sức khỏe, bạn hãy kiềm chế bản thân, luôn có thái độ sống lạc quan, ít hút thuốc hay tốt nhất là bỏ thuốc lá.

 

4. “Bệnh” máy tính

 

Chán nản vì nỗi lo thu nhập, thất nghiệp, nhiều người tìm đến phương thức “giết thời gian” không mấy bổ ích, đó là ngồi hàng giờ đồng hồ, thậm chí thâu đêm suốt sáng trước máy tính. Cứ như vậy sớm muộn gì họ cũng mắc phải một số “bệnh máy tính” như nhức mỏi mắt, tê tay chân, đau lưng, đau đầu.

 

Khắc phục

 

Ngồi trước máy tính lâu phải có chế độ ngủ nghỉ hợp lý. Bên cạnh đó, đừng quên những cách nghỉ ngơi, giải trí đầy hiệu quả khác như đọc sách, nói chuyện với bạn bè.

 

5. Bệnh tâm lý

 

Hệ quả của khủng hoảng kinh tế là có người mất việc, có người bị cắt giảm lương. Các phương tiện thông tin đại chúng lại luôn đưa ra những tin tức bất lợi liên quan đến khủng hoảng kinh tế. Hoàn cảnh khách quan và chủ quan đều không dễ chịu khiến bạn rơi vào trạng thái bất an, căng thẳng, từ đó dẫn đến mất ngủ, đau đầu, tăng huyết áp, nghiêm trọng thì có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

 

Khắc phục

 

Bất luận trong hoàn cảnh nào đều phải tự tạo cho mình “phòng tuyến” bảo vệ vững chắc. Thay vì ngồi than vãn về thu nhập thấp, công việc quá nhàm chán, hãy nhân thời gian rảnh rỗi này tập luyện thể thao, vừa giảm béo, vừa nâng cao sức khỏe.

 

Quan trọng hơn cả là luôn lạc quan, tìm cho mình những phương pháp khắc phục tình hình hiện tại một cách hiệu quả nhất.

 

Phạm Hằng

Theo Xinhuanet