Bệnh thấp tim và cách phòng

Bệnh thấp tim gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim, do vậy phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng. Bệnh có thể xuất hiện sau một đợt viêm họng với các triệu chứng sốt, đau khớp, viêm cơ tim, nổi ban ở da...

Thấp tim là một bệnh viêm do liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A gây nên làm tổn thương khớp, tim, thần kinh, da và chỉ để lại di chứng ở tim. Những di chứng tại van tim là nguyên nhân chính của bệnh tim mắc phải, gây tử vong cho trẻ em 5 - 15 tuổi, làm mất sức lao động của những người trưởng thành.

 

Nguyên nhân gây bệnh là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A týp M3, 5, 14, 18, 19, 24. Ngày nay người ta đã thấy trong màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A có một thành phần protein rất giống với protein màng tế bào cơ tim và một số tổ chức liên kết khác của cơ thể.

 

Ngoài ra, cấu trúc cacbon hydrat màng tế bào liên cầu khuẩn nhóm A cũng giống mucoprotein ở van tim người. Vì vậy khi cơ thể sản xuất các kháng thể chống liên cầu khuẩn thì chúng tấn công luôn cả cơ tim và các tổ chức liên kết có thành phần protein tương tự. Đó chính là hiện tượng tự miễn.

 

Một tính chất quan trọng nữa là màng tế bào liên cầu khuẩn còn mang nhiều chất có độc tính với tế bào cơ tim, thận, phá hủy hồng cầu, tiểu cầu... Cho nên các nhà y học cho rằng bệnh thấp tim là bệnh nhiễm độc miễn dịch, hay gặp ở lứa tuổi từ 10 - 15 tuổi (64,5%), xuất hiện sau một đợt viêm họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra.

 

Những biểu hiện của bệnh thấp tim là sốt, đau khớp, viêm cơ tim, múa giật, tổn thương ở da. Sốt hay gặp trong giai đoạn đầu, kéo dài có thể tới 2 - 3 tuần, kết hợp với khớp sưng, nóng, đỏ, đau, đi lại khó khăn. Thường đau các khớp lớn như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, do di chuyển từ khớp này sang khớp khác mà không để lại di chứng. Tổn thương cơ tim làm nhịp tim chậm hoặc nhanh, có thể không đều. Nếu viêm cơ tim nặng gây khó thở, tím tái, phù, gan to.

 

Triệu chứng múa giật là do ảnh hưởng tới hệ thần kinh của bệnh thấp tim, xuất hiện chậm, sau nhiều tuần bị nhiễm khuẩn. Bệnh nhân hay cáu gắt, lo lắng, sợ sệt, có rối loạn vận động như cầm bút khó, hay đánh rơi các vật dùng, dần dần các động tác vận động rối loạn mạnh, gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Trên da thấy xuất hiện ban màu hồng, hình tròn 1 - 2cm ở ngực, bụng, không ngứa. Gần khớp gối, khớp khuỷu có thể gặp cục nổi dưới da bằng hạt đỗ, hạt ngô, sau vài ngày tự mất đi.

 

Bệnh thấp tim gây tổn thương nặng nề tới cơ tim và van tim, do vậy phát hiện sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Khi thấy đau khớp sau một đợt viêm họng nên nghĩ tới thấp tim và tới ngay thầy thuốc để khám bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết (như xét nghiệm máu, chụp X-quang tim, phổi, điện tim) và có liệu trình điều trị đúng đắn.

 

Khi được chẩn đoán xác định là thấp tim nên tuân thủ chế độ điều trị dự phòng nghiêm ngặt. Tiêm kháng sinh dự phòng một tháng một lần theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Thời gian dự phòng là 5 năm, tốt nhất đến 18 tuổi, với thể tổn thương nặng ở tim, phòng tái phát cho đến 25 tuổi.

 

Theo BS Nguyễn Khắc Hiền
Sức Khỏe và Đời Sống