Bệnh tả hay tiêu chảy cấp nguy hiểm?

(Dân trí) - Trước những thắc mắc của bạn đọc về tên gọi của dịch bệnh liên quan đến đường ruột, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (ảnh) xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh?

 

Đây là bệnh rất dễ phòng. Chỉ cần ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ, không ăn những thực phẩm như mắm tôm, hải sản sống. Nếu chúng ta làm được thì dịch sẽ được dập trong thời gian rất ngắn, còn nếu không thì khả năng sẽ bùng lên rất mạnh.

 

Hiện nay việc xử lý môi trường đã có quy trình rất cụ thể rõ ràng nhưng điều quan trọng hơn là các cá nhân trong gia đình cần phải tuân thủ những khuyến cáo về mặt chuyên môn của ngành y tế.

 

Vậy với biểu hiện bệnh như hiện nay thì cần phải hiểu thế nào cho chính xác?

 

Nói đến bệnh đường ruột thì có rất nhiều bệnh khác nhau như bệnh chân – tay - miệng; thương hàn; tiêu chảy cấp do vi rút; tả. Và tôi nghĩ đây là những bệnh cần điều trị bằng kháng sinh và thuốc đặc trị. Vì vậy chúng ta gọi là tiêu chảy cấp nguy hiểm.

 

Nhưng tại sao Bộ Y tế chỉ công bố phác đồ điều trị bệnh tả?

 

Vì những phác đồ điều trị khác chúng ta có rồi. Và vì hiện nay có những loại kháng sinh đã bị kháng nên cần phải thay phác đồ cho kịp thời.

 

Hiện nay trên phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nhắc đến bệnh tả?

 

Việc đó sẽ tác động giúp người dân hiểu rằng về mặt y tế bệnh này có thể phòng được, điều trị được và rất dễ phòng tránh nếu thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phác đồ điều trị bệnh tả

 

Bệnh tả (cholerae) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch đường tiêu hoá do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra. Biểu hiện chủ yếu bằng nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. 

 

Nguyên nhân gây bệnh là là vi khuẩn Vibrio cholerae  cong hình dấu phẩy, Gram âm, di động nhanh nhờ có một lông, có khả năng tồn tại trong nước và thức ăn khoảng một tuần. Vi khuẩn có thể tồn tại nhiều năm trong các động vật thân mềm ở vùng ven biển. Vi khuẩn tả dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất diệt khuẩn thông thường. Vi khuẩn tả rất dễ mọc trong môi trường pepton kiềm mặn. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày.

 

Triệu chứng của thể cấp tính:

 

- Thời kỳ đầu:  Người bị bệnh sẽ thấy sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần.

- Thời kỳ toàn phát: Người bệnh tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân tả điển hình toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu, bệnh nhân nôn rất dễ dàng, lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước nhưng không sốt, ít khi đau bụng. Do mất nước bệnh nhân rơi vào tình trạng mất nước và điện giải nhanh sẽ gây mệt lả, chuột rút...

 

Hiện bệnh tả có 4 thể

 

- Thể không có triệu chứng;

- Thể nhẹ giống tiêu chảy thường;

- Điển hình nhất là thể cấp tính như miêu tả ở trên;

- Thể tối cấp (diễn biến nhanh chóng, bí tiểu, suy kiệt nhanh chóng sau vài giờ và tử vong).

 

Ở trẻ em, thường bệnh ở thể nhẹ giống như tiêu chảy thường, có nôn, thường sốt nhẹ. Tả ở người già hay gặp biến chứng suy thận mặc dù đã được bù dịch đầy đủ.

Thời kỳ hồi phục: Bệnh diễn biến từ 1-3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh.

 

Điều trị

 

Người bị bệnh ở thể nhẹ cũng cần được bù ngay nước bằng đường uống bằng

các loại dịch dùng đường uống: Oresol (ORS) (gồm NaCl 3,5g, NaHCO3 2,5g, KCl 1,5g và glucose 20g) pha với một lít nước đun sôi để nguội.

 

Nếu không có có sẵn Oresol có thể pha dịch thay thế gồm: 8 thìa nhỏ (thìa cà-phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha trong 1 lít nước; hoặc nước cháo 50g gạo và một nhúm (3,5g) muối hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối. Bệnh nhân bị nôn nhiều nên uống từng ngụm nhỏ.

 

Ngoài ra người bệnh có thể bồi phụ khối lượng tuần hoàn bằng truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên phải thực hiện việc này tại bệnh viện với chỉ định của bác sĩ.

 

Các ca bệnh nặng, không đo được mạch và huyết áp thì phải cấp cứu tại chỗ, nếu chuyển tuyến quá xa thì tiên lượng càng nặng thêm.

 

Nên cho bệnh nhân ăn sớm các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu. Trẻ sơ sinh phải sớm được bú mẹ.

 

Phòng bệnh

 

Khi có bệnh nhân tả phải thông báo dịch cho y tế cấp trên và hệ y học dự phòng. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly bệnh nhân ở buồng riêng theo đường tiếp xúc. Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10% tỷ lệ 1:1 hoặc vôi bột.

 

Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân, phương tiện chuyên chở bệnh nhân bằng dung dịch cloramin B 1-2%, nước Javen 1-2% hoặc nước sôi.

 

Ngâm tay bằng dung dịch cloramin B, hoặc rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn sau khi thăm khám, chăm sóc bệnh nhân.

 

Vệ sinh buồng bệnh ít nhất 2 lần/ngày bằng các dung dịch cloramin B, nước Javen 1-2% hoặc các chế phẩm khử khuẩn khác.

 

Các chất thải phát sinh trong buồng cách ly phải được thu gom, xử lý như chất thải y tế lây nhiễm.

 

Các biện pháp dự phòng chung

 

- Vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch.

 

- Vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nước đá, nước giải khát. Không nên ăn các hải sản tươi sống, mắm tôm sống vì nguồn bệnh có thể ở trong đó và lây bệnh.

 

- Sử dụng vắc-xin tả uống cho những vùng có nguy cơ dịch theo chỉ đạo của cơ quan y tế dự phòng.

                                                                            

Nguồn: Bộ Y tế

 

Lan Hương