ĐBSCL:

Bệnh sốt xuất huyết “tấn công” người dân miền Tây

(Dân trí) - Năm nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao ở nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt, đầu tháng 7 số ca SXH nhập viện điều trị được ghi nhận tại một số tỉnh, thành trong khu vực tăng 125% so với cùng thời điểm năm 2016.

Dịch sốt xuất huyết chưa dừng lại

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã có 16 ca tử vong do SXH. Ở 3 địa phương trong vùng ĐBSCL đã ghi nhận có bệnh nhân tử vong do SXH là Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh. Tại Cần Thơ ghi nhận khoảng 700 ca SHX và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại tỉnh Kiên Giang, theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh này cho biết, tính đến ngày 30/7 trên toàn tỉnh có 761 ca, trong đó có 44 ca nặng. Nếu so với cùng kỳ 2016, số ca SXH tăng 37,7%. Những địa phương có số ca nhiễm SXH cao, như TP Rạch Giá (174 ca), huyện Phú Quốc (104 ca), An Minh, An Biên, Kiên Lương… trong đó, huyện An Minh, An Biên có số ca nhiễm SXH tăng cao vượt mức trung bình chuẩn cần tập trung chỉ đạo khẩn để ổn định tình hình dịch bệnh.

Các bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết và đang điều trị tại bệnh nhi đồng TP Cần Thơ
Các bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết và đang điều trị tại bệnh nhi đồng TP Cần Thơ

Còn theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 23.000 trường hợp mắc SXH, tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2016, trong đó có 87 ca sốc nặng, 1 trường hợp tử vong (ở huyện Phú Tân). Các địa bàn có số ca sốt xuất huyết cao so cùng kỳ, như: Chợ Mới (685/386 ca, tăng 77%), Châu Phú (320/192 ca, tăng 67%), An Phú (225/107 ca, tăng 110,3%), Phú Tân (185/150 ca, tăng 23%) và có 1 ca tử vong…

Huyện Chợ Mới của An Giang là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh An Giang, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 685 trường hợp mắc SXH, tăng 299 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.

BSCKII Bùi Hùng Việt, thăm khám cho các bệnh nhi bị SXH, đang điều trị tại Bệnh viên Nhi đồng Cần Thơ
BSCKII Bùi Hùng Việt, thăm khám cho các bệnh nhi bị SXH, đang điều trị tại Bệnh viên Nhi đồng Cần Thơ

Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã phát hiện gần 800 ca mắc SXH, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao do bước vào mùa mưa. Ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có ca nhiễm bệnh SXH. Ngành y tế tỉnh Bến Tre dự báo, bệnh SXH có nguy cơ tăng cao trong thời gian sắp tới.

Còn tại Cà Mau, trong những ngày này cuối tháng 6, đầu tháng 7-2017, trẻ nhập viện do bệnh SXH tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau ngày càng nhiều và tăng cao so với những tháng trước. Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã tiếp nhận điều trị nội trú gần 400 ca SXH, trong đó tháng 5-2017, số ca bệnh tăng ở mức 148%, còn tháng 6-2017, tăng đột biến đến 405% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị cho 3.822 ca SXH (tăng trên 40% so với cùng kỳ), trong đó có 53 ca nặng (độ 3). Riêng Cần Thơ là gần 700 ca, số ca còn lại là các bệnh nhân đến từ các tỉnh ĐBSCL. Riêng 15 ngày đầu tháng 7-2017, Khoa SXH của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận, điều trị nội trú trên 200 ca SXH cho các bệnh nhân các tỉnh, thành trong vùng (tăng 125% so với cùng kỳ).

Tập trung dập dịch SXH

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tuyên truyền, vận động diệt lăng quăng, phòng ngừa SXH… nhưng bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng.

Tại Đồng Tháp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng đợt 2 vào tháng 6 và đợt 3 vào tháng 8. Tăng cường giám sát chặt chẽ số ca bệnh, giám sát mật độ côn trùng, lăng quăng; giám sát virus gây bệnh để dự báo sớm. Đồng thời, xử lý triệt để những ổ dịch tránh lây lan rộng; phun xịt hóa chất trên diện rộng để diệt muỗi. Trong khi đó, Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng đã tích cực giám sát chặt chẽ từng ca bệnh, tổ chức diệt lăng quăng, chủ động xử lý những nơi có mật độ côn trùng tăng cao, hoặc có 1 - 2 ca bệnh xuất hiện.

Các địa phương có dịch SXH tăng cường các biện pháp phun thuốc mở rộng để dập dịch. (ảnh Trọng Trung)
Các địa phương có dịch SXH tăng cường các biện pháp phun thuốc mở rộng để dập dịch. (ảnh Trọng Trung)

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: “Năm nay thời tiết diễn biến khá thất thường, mưa trái mùa xuất hiện với tần xuất dày đặc khiến muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện sinh sản nhanh. Mặc dù có tuyên truyền để người dân tích cực diệt lăng quăng, nhưng do mưa thất thường các vật chứa nước vẫn còn, tạo điều kiện cho lăng quăng truyền bệnh phát triển”. Trước tình hình dịch bệnh SXH có chiều hướng gia tăng, UBND TP Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch SXH; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng; triển khai phòng chống SXH trên địa bàn 9/9 quận, huyện.

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua trên địa bàn phát hiện 78 ổ dịch, trong đó TP Rạch Giá 20, huyện Phú Quốc 11, huyện Kiên Lương, Châu Thành 9 và huyện Giồng Riềng, An Biên 8 ổ dịch. Thời gian qua, ngành y tế phối hợp với các huyện tăng cường công tác tập huấn phòng chống dịch và điều trị bệnh; thời gian tới tiếp tục thông tin tuyền truyền sâu rộng đến người dân về cách phòng chống bệnh SXH; đối với những địa phương có dịch và số ca mặc SXH nặng sẽ phun thuốc mở rộng… Ngành y tế Kiên Giang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, người dân cần vệ sinh quanh nhà, diệt lăng quăng, đổ những chậu nước không xài... Cũng là những cách phòng chống bệnh SXH hiệu quả nhất. (ảnh Trọng Trung)
Ngoài ra, người dân cần vệ sinh quanh nhà, diệt lăng quăng, đổ những chậu nước không xài... Cũng là những cách phòng chống bệnh SXH hiệu quả nhất. (ảnh Trọng Trung)

Để phòng tránh bệnh SXH hiệu quả, biện pháp chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần thực hiện theo nguyên tắc, không lăng quăng, bọ gậy, không muỗi, sẽ không có SXH. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà, không để nước tù đọng trong các bể chứa, lu, chai, lọ. Tránh muỗi đốt; từng cá nhân, hộ gia đình cần ngủ màn (kể cả ban ngày); mặc quần áo dài tay; không cho trẻ em chơi chỗ tối; dọn dẹp những chỗ muỗi thích đậu, như: dây phơi, quần áo, chỗ tối, đuổi muỗi (đốt nhang muỗi, xịt muỗi), dùng kem thoa chống muỗi...

Không nên tự ý mua, hoặc thuê người phun hóa chất diệt muỗi. Vì, phun hóa chất nào, nồng độ bao nhiêu để có tác dụng diệt muỗi nhưng không làm tăng khả năng kháng thuốc của muỗi phải do cơ quan Y tế dự phòng địa phương quyết định. Trên thực tế, có những loại hóa chất có tác dụng diệt muỗi ở khu vực này nhưng lại không hiệu quả ở khu vực khác. Khi phát hiện người nhà bị bệnh với các triệu chứng sốt cao kéo dài, xuất huyết đỏ ngoài da như tôm luộc, gia đình đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, điều trị kịp thời. Mặt khác cần có biện pháp cách li người bệnh hợp lý, tránh để lây lan thành ổ dịch.

Nguyễn Hành