Bệnh sợ tất, giày

(Dân trí) - Đồng nghiệp đều lấy làm lạ khi thời tiết đã chuyển mùa se lạnh mà anh Minh (nhân viên văn phòng) vẫn “diện” đôi xăng-đan dành cho mùa hè. Chỉ có vài người bạn thân hiểu được vì sao anh ngại đi tất, giầy đến thế.

Chỉ vì ướt át quanh năm

Mùa đông đã cận kề, nhìn bạn bè hồ hởi khoe nhau những đồi giày kín đáo, ấm áp mà anh Minh phải ra vẻ làm ngơ, vẫn trung thành với đôi xăng - đan thoáng mát đang dùng.

Thực lòng, anh rất mê những đôi giày da, hay giày thể thao đầy nam tính và ấm áp. Nhưng khổ nỗi bàn chân anh lại mắc chứng ra mồ hôi nhiều và liên tục. Nếu đi giày, mang tất thì chỉ chừng vài tiếng sẽ tạo thành thứ mùi cực kỳ khó ngửi. Bên cạnh đó chỉ sau vài ngày đi giày, những kẽ ngón chân của anh Minh còn mẩm ngứa, rồi bở từng mảng da chân trông rất thiếu thẩm mỹ

Để thoát khỏi thứ mùi tai quái và căn bệnh ấy, anh Minh đã bôi thử nhiều loại kem trị nấm và còn đã thử dùng một số loại thuốc khử mùi trước khi đi giày, tất nhưng cũng chẳng ăn thua.

Chỉ với đôi xăng đan thoáng mát anh mới giúp đôi chân khô ráo hơn và cũng tiện để rửa chân khử mùi bất cứ lúc nào.

Kim Liên, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc Dân cũng có hoàn cảnh tương tự. Không chỉ bị ra mồi hôi chân, hai lòng bàn tay của Liên cũng luôn ẩm ướt và thường mọc những đám mục nước nhỏ li ti nơi ngón tay, khiến cô ngứa ngáy không yên.

Theo BS Hương, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Da Liễu Quốc gia, hai trường hợp giống như trên gặp khá nhiều tại Viện và đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Những trường hợp này thường mắc tăng tiết mồ hôi (Hyperhydrosis) kèm theo viêm da hay còn gọi là tổ đỉa.

Nguyên nhân của bệnh Hyperhydrosis có thể do thứ phát sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc có thể là một bệnh của cương giáp trạng. Đi kèm theo việc ra nhiều mồ hôi khiến da ở vùng chân, tay của bệnh nhân bị khô nên thường dễ mắc thêm bệnh tổ đỉa.

Cũng chính vì vậy bệnh thường dai dẳng, thậm chí có những trường hợp đến khám bệnh trong tình trạng tay, chân chảy dịch có chỗ mưng mủ do bội nhiễm hoặc do dùng thuốc lá đắp, sát khuẩn quá độ.

Theo dân gian: Càng chữa càng nặng

Hiện nay, ngoài một số phương án dùng thuốc tiêm hoặc uống điều trị bệnh tận gốc, BV đã triển khai cách điều trị điện phân miễn dịch bằng máy đối với những bệnh nhân nặng hoặc có nhu cầu.

Riêng những trường hợp mới khám, các BS thường hướng dẫn bệnh nhân cách giữ gìn vệ sinh cá nhân kèm theo thuốc bôi và thuốc uống.

Rất nhiều người mắc bệnh tổ đỉa và viêm da vẫn áp dụng một số cách chữa trong dân gian như: đắp thuốc lá, ngâm chân tay vào nước muối, nước lá chè tươi, nước phèn chua, hoặc bôi cồn vào phần da bị thương tổn hoặc đang mẩn ngứa.

Trên thực tế, nước lá chè tươi hay phèn chua đúng là có tác dụng ít nhiều giúp người mắc bệnh cải thiện được tình hình, giúp da khô, se lại, nên vẫn được BS tư vấn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, có rất nhiều người không được hướng dẫn cụ thể lại ngâm chân, tay trong nước chè tươi, phèn chua pha quá đậm đặc. Điều này gây phản tác dụng, khiến da càng khô và thêm tổn hại. Cách dùng cồn bôi trực tiếp hoặc ngâm trong nước muối đậm đặc cũng vậy, không chỉ làm da thêm khô mà còn làm bệnh có thể bị bội nhiễm nặng thêm.

Một số bệnh nhân khác lại đến viện trong tình trạng kẽ chân mưng mủ, sưng tấy sau một thời gian dài vừa đắp thuốc lá ‘‘gia truyền’’ vừa bôi cồn sát trùng.

Tất cả những trường hợp này đều được chỉ định dừng ngay những phương pháp chữa bệnh đang tiến hành.

Chỉ cần chọn tất, giày phù hợp

"Những người mắc bệnh ra mồ hôi chân nhiều nếu ủ quá lâu trong giày kín sẽ tạo thành mùi hôi rất khó chịu. Bên cạnh đó, sự ẩm ướt còn trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, cần giải quyết triệt để bệnh bằng điều trị nội khoa. Với những người ra mồ hôi chân không quá nhiều nên khắc phục bằng cách thường xuyên ngâm chân bằng nước phèn chua (không pha quá đậm đặc).

Khi chọn tất, nên dùng loại 100% cottong có tính hút ẩm cao, tránh xa tất pha ni-lon bởi loại tất này vừa không hút ẩm tốt lại nhanh tạo mùi hôi. Với giày, dép người bị bệnh nên chọn loại mềm mại bằng da, không nên chọn loại giày dép cứng (bằng nhựa hoặc giả da) màu sắc lòe loẹt, bởi phẩm mầu thôi ra có thể gây dị ứng cho bàn chân và dễ làm chân tổn thương ở những vùng tiếp xúc trực tiếp", BS Hương khuyên.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh ra mồ hồi tay kèm theo viêm da tay, hay mọc mụn ngứa, theo BS Hương cần kiên trì điều trị. Để tránh bệnh tái phát trở lại (rất hay gặp) bệnh nhân luôn phải có ý thức cung cấp độ ẩm cần thiết cho da bằng cách thường xuyên bôi kem.

P. Thanh