Hà Nội:

Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gần 15 lần

(Dân trí) - Con số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) vào điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội tăng vọt gấp 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đỉnh điểm là tuần 27/8-3/9 với 891 ca nhập viện.

“Chóng mặt” cảnh quá tải ở các bệnh viện

Bộ Y tế cho biết, tính chung trong cả nước từ ngày 1/1 đến ngày 22/10, dịch SXH đang tăng mạnh với hơn 75 nghìn ca SXH (tăng 7,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó SXH đanh (bệnh cảnh nặng) chiếm gần 80% (hơn 6.000 ca), 58 trường hợp tử vong. Một số địa phương có số mắc SXH mới ở mức cao như TPHCM, Sóc Trăng, An Giang và đặc biệt là tại Hà Nội.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gần 15 lần  - 1
Trên chiếc giường bệnh chật hẹp, bệnh nhân SXH phải nằm tráo đầu đuôi mới đủ chỗ nằm (Ảnh chụp tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia) - Ảnh: H.Hải
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, số mắc SXH tại Hà Nội đã lên đến 7.551 ca. Như vậy, riêng số ca SXH ở Hà Nội đã chiếm tới gần 1/10 tổng số ca mắc trong cả nước. Trong tháng 6, Hà Nội chỉ có 235 ca SXH; tháng 7 là 783 ca; tháng 8 là 2.138 ca. Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, dịch SXH ở Hà Nội thực sự “bùng nổ” với hơn 2.800 ca SXH, tăng tới 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các ca bệnh đã xuất hiện ở khắp các quận, huyện của Hà Nội, với đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em trên 15 tuổi và người lớn. Trong đó, 60% số bệnh nhân là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh.
 
Tại Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia từ tháng 9 trở lại đây, số bệnh nhân đến khám, nằm viện luôn ở mức quá tải, khoảng 200-300 lượt tới khám mỗi ngày liên quan đến SXH. Đến mức, ông Nguyễn Văn Kính, viện trưởng luôn phải kêu giời vì không có cách nào giải quyết được tình trạng quá tải này. Bệnh nhân nằm ghép 2-3 trong phòng bệnh, đến nằm tràn ra cả ngoài hành lang. Ngay cả tại khoa Điều trị tích cực (vốn chỉ điều trị cho các bệnh nhân rất nặng) cũng luôn phải kê một hàng dài giường bệnh ở hành lang.

Bệnh nhân Vũ Huy Thái (Gia Lâm, Hà Nội) đã bước sang ngày SXH thứ 4. Trước đó, anh có đến khám tại Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia và được xác định tiểu cầu giảm nhưng được điều trị ngoại trú. Hôm nay tái khám, dù tiểu cầu giảm xuống còn 80 ngàn, người mệt mỏi, bứt rứt không yên nhưng bệnh nhân này vẫn không thể nhập viện vì bệnh viện chỉ dành chỗ cho những người biểu hiện nặng hơn thế. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân về nhà theo dõi, tiếp tục tái khám ngày mai, nếu tiểu cầu tiếp tục hạ thì sẽ phải nhập viện điều trị. “Anh nhà tôi lúc thì sốt cao đùng đùng, lúc thì chân tay lạnh toát, người thì bứt dứt không yên, không ăn uống được, cứ lả đi, rồi nôn ồng ộc... Chưa từng chăm người SXH nên bản thân tôi không thể hình dung SXH kinh khủng đến vậy. Giờ biết rồi, mới thấy việc phòng bệnh quan trọng thế nào”, chị Nguyễn Thị Thảo, người nhà bệnh nhân Thái tâm sự.

“Tại Hà Nội, chỉ khoảng 30-40% bệnh nhân biểu hiện SXH dương tính với virus Dengue (virus gây SXH). Vì vậy, cơ quan y tế đang tiến hành nghiên cứu về khả năng tồn tại của một loại virus khác tên là Chikungunya (do muỗi Aedes albopictus truyền). Virus gây bệnh này có bệnh cảnh tương tự như SXH và cũng có thể gây tử vong cho người bệnh”, ông Vũ Sinh Nam, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế, cho biết.

Không chỉ riêng tại viện này, mà các cơ sở y tế khác của Hà Nội cũng trong tình trạng quá tải nặng nề. Như tại bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, tính từ tháng 7/2009 đến nay đã có tích lũy 2.274 ca SXH. Bệnh nhân SXH đều phải nằm ghép giường ở tất cả các khoa, chưa kể, nhiều bệnh nhân dù hạ tiểu cầu nặng vẫn phải theo dõi, điều trị ngoại trú vì không thể có thêm chỗ nằm cho người bệnh.

Trong khi đó, theo nhận định của ThS Nguyễn Nhật Cảm, Trường Khoa kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội: Đầu tháng 9, Hà Nội ở trong giai đoạn đỉnh dịch và dịch đang có dấu dấu hiệu giảm xuống ở các tuần tiếp theo. Tuy vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan vì dịch SXH vẫn dai dẳng và sẽ có cơ hội bùng phát trở lại nếu người dân lơ là trong phòng dịch".

Do số bệnh nhân đông, bệnh nhân nặng nhập viện nhiều, lại thiếu tiểu cầu để truyền cho người bệnh nên hiện công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Như tại BV Thanh Nhàn, trong tháng 7, bệnh viện chỉ sử dụng 17 đơn vị tiểu cầu thì đến tháng 9, bệnh viện đã truyền khoảng 55 đơn vị và nửa tháng 10 đã truyền hơn 50 đơn vị tiểu cầu. Còn rất nhiều bệnh nhân có tiểu cầu dưới ngưỡng cho phép mà vẫn phải đợi vài ba ngày, thậm chí lâu hơn mới có tiểu cầu để truyền.

Chống dịch khó khăn

Theo ThS Cảm, dịch SXH thường có tính chu kỳ, ngắn thì 3-5 năm, dài là 5-10 năm lại xảy ra một vụ dịch lớn. Năm 1998, Hà Nội đã có 1 vụ dịch lớn, vì vậy năm nay dịch SXH nằm vào chu kỳ tăng. Tuy Hà Nội đang gồng mình chống dịch nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có sự chủ quan của người dân khiến dịch bệnh càng có cơ hội bùng phát.
 
Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng gần 15 lần  - 2
Rất nhiều bệnh nhân SXH nặng, bị sốc, truỵ mạch, giảm tiểu cầu phải nhập viện điều trị (Ảnh: H.Hải)

Như khi tiến hành phun thuốc diệt muỗi ở ổ dịch, dù Trung tâm Y tế dự phòng đã báo trước cho tổ dân phố để thông báo từng hộ dân cử người ở nhà để đoàn vào phun thuốc. Nhưng thực tế vừa qua, khi tới phun, có tới gần 20% hộ gia đình vắng nhà. Dù chỉ còn một ổ dịch sót lại, nằm ngay trong thùng chứa nước hay trong nước ứ đọng lâu ngày ở lọ hoa, cây cảnh... thì cũng vẫn còn nguy cơ sinh sôi nảy nở và lan tràn.

Bên cạnh đó, do người dân hiện vẫn hiểu sai về tác dụng của phun hóa chất, nên chủ quan, cho rằng đã phun thuốc thì “vô tư”. “Thực ra, hoá chất diệt muỗi chỉ diệt được muỗi trưởng thành. Khi có dịch thì phun hóa chất  là để diệt đàn muỗi có virus gây SXH, để tránh dịch tiếp tục lây lan. Nhưng dù muỗi hết thời điểm đó, nhưng người dân không diệt hết ổ bọ gậy thì bọ gậy lại tiếp tục sinh ra muỗi và muỗi nhiễm virus sẽ tiếp tục truyền bệnh cho người”, BS Cảm khuyến cáo.

Vì thế, người dân cũng cần chủ động trong việc phòng SXH, bằng những hành động đơn giản như thả cá vào bể chứa nước sinh hoạt, không để nước lưu cữu lâu trong lọ hoa, chậu cây cảnh, làm thông thoáng nhà cửa, không để ẩm mốc... thì muỗi sẽ không có điều kiện sinh sôi phát triển. 
 
Có thể tái mắc SXH
 
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, một người đã mắc SXH vừa khỏi, vẫn có thể tái mắc SXH ngay trong vụ dịch đó do có thể nhiễm tuýp virus gây bệnh khác….
 
“SXH có 4 tuýp huyết thanh là D1, D2, D3, D4. Hiện nay dịch SXH tại Hà Nội là do 2 loại vi rút là D1, D2 gây ra. Với tuýp đã mắc, cơ thể người bệnh sẽ sinh kháng thể chống lại túyp đó nhưng vẫn chưa có kháng thể chống lại tuýp khác.
 
Sau lần mắc đầu, như mắc tuýp D1, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể chống lại tuýp này, nhưng sau đó, bệnh nhân vẫn có thể mắc SHX do tuýp huyết thanh khác gây nên. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể của 2 tuýp, có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể nên gây phản ứng, tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch…gây bệnh cảnh nặng nề hơn. Vì thế, người bệnh dù đã mắc SXH cũng không nên chủ quan vì hoàn toàn có thể bị tái nhiễm SXH do tuýp virus khác.
 
Hồng Hải