Bệnh nhân nhập viện vì tiêu chảy cấp tăng liên tục

(Dân trí) - Kể từ khi dịch tiêu chảy cấp được công bố vào hôm 30/10, mỗi ngày các bệnh viện như Viện Truyền nhiễm và Các bệnh nhiệt đới quốc gia, bệnh viện Đống Đa... liên tục tiếp nhận hàng chục bệnh nhân.

Tính đến trưa ngày 1/11, chỉ riêng viện truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới quốc gia đã có tới 117 bệnh nhân nhập viện (nhiều hơn 6 trường hợp so với số nghi nhiễm của cả nước hôm 31/10). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc TT Truyền thông, Trưởng tiểu ban chống dịch, mặc dù số ca nghi nhiễm tăng nhưng số bệnh nhân đang bị tiêu chảy vẫn chỉ ở mức là 33 người, không tăng so với ngày trước đó. 

Số nghi nhiễm liên tục tăng 

Chiều ngày 1/11, con số nhập viện tại các bệnh viện do nghi nhiễm tiêu chảy cấp liên tục tăng, trong đó, gần 120 ca nằm ở Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, vài chục trường hợp ở bệnh viện Đống Đa, các trường hợp khác nằm rải rác ở một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội và 4 bệnh viện tỉnh của Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... trong đó tập trung nhiều ở Hà Nội. Bác sỹ ở đây cho biết, khi đã phát bệnh sẽ có hiện tượng sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần, tiếp đến nặng lên, bệnh nhân tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít mỗi ngày; phân điển hình toàn nước, màu trắng đục, không có nhầy máu. Bệnh nhân nôn nhiều, không sốt, ít khi đau bụng. Tình trạng mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút. Nếu nặng sẽ truỵ tim mạch, hậu quả dẫn đến suy thận cấp. Bệnh diễn biến từ 1 - 5 ngày, nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh sẽ khỏi. 

Ở trẻ nhỏ, hiện tượng tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn giống như tiêu chảy thông thường. Đối với trẻ lớn thì tiêu chảy và nôn giống như người lớn, kèm theo có sốt nhẹ. Nhưng nếu trẻ bị tiêu chảy cấp thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều. Bệnh diễn biến nhanh chóng, mỗi lần tiêu chảy mất rất nhiều nước, nếu không cấp cứu kịp thời thì toàn thân suy kiệt nhanh chóng chỉ sau vài giờ và tử vong do truỵ mạch. 

Tại bệnh viện Đống Đa, Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Các bệnh lâm sàng nhiệt đới cho biết, trong vài ngày trở lại đây, khoa bệnh này tiếp nhận trung bình mỗi ngày từ 10 - 15 trường hợp cấp cứu vào viện. Triệu chứng của bệnh đều giống nhau nhưng nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên chưa có trường hợp nào tử vong.  

Vấn đề đáng nói ở đây chính là sự thờ ơ của nhiều người dân. Rõ ràng là mặc dù trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đều nói ra rả về căn bệnh nguy hiểm song vẫn có những người cho đến khi bị bệnh mới biết là đang có dịch và cấm sử dụng mắm tôm! 

Thành lập ban đặc nhiệm chống dịch tiêu chảy cấp 

Trước tình hình thủ đô vẫn là ổ dịch lớn nhất, chiều ngày 1/11, UBND Thành phố Hà Nội đã họp khẩn về việc phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Thành phố đã quyết định thành lập ngay Ban đặc nhiệm phòng chống dịch tiêu chảy.

Việc tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh được ưu tiên dành cho các tỉnh phía Bắc, tiếp đó là  các tỉnh miền Trung, nơi đang có lũ. Hiện nay, bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy cấp đã có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị. Qua các mẫu làm kháng sinh đồ, đã  xác định hầu hết vi khuẩn này kháng gần như 100% với các kháng sinh thông thường, tuy nhiên vẫn nhạy cảm với các kháng sinh thế hệ mới. Vi khuẩn này phát triển trong môi trường kiềm cao muối mặn, có thể tồn tại đến 150 ngày trong phân và tồn tại nhiều năm trong động vật biển thân mềm.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn cho biết, các bệnh nhân mắc dịch được điều trị miễn phí. Còn những người tiếp xúc với bệnh nhân thì được uống, cấp phát thuốc dự phòng lây nhiễm. Nhưng để không xảy ra trường hợp tử vong nào thì bản thân mỗi người và gia đình cần phải ý thức được sức khoẻ của mình. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự điều trị.

Có nên cho trẻ đi học khi đang có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm?

 

Xung quanh vấn đề này bác sỹ Nguyễn Văn Lộc, Viện phó Viện Nhi TƯ cho biết:

 

Các bệnh nhân vào Viện Nhi do tiêu chảy không giống như người lớn bởi đó là bệnh tiêu chảy do vi rút, không phải vi khuẩn.

 

Tuy nhiên, do trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ cần xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, các phụ huynh vẫn nên khẩn trương đưa ngay con em mình đến bệnh viện bởi không dễ để phân biệt giữa hai dạng bệnh tiêu chảy do virus và tiêu chảy cấp do vi khuẩn.

 

Còn về vấn đề có nên cho trẻ đi học trong thời điểm này hay không, bác sỹ Lộc chỉ có thể nói rằng: Không ai có thể bảo đảm 100% không có nguy cơ lây nhiễm.

 

Tuy nhiên, có 3 lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh:

- Thứ nhất, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân đang bị tiêu chảy cấp nguy hiểm cũng như người nhà của họ.

- Thứ hai, phải cho trẻ ăn chín, uống sôi.

- Thứ ba, trẻ cần phải được cách ly với những thực phẩm dễ truyền bệnh như mắm tôm, mắm tép. 

              Lan Hương