Bệnh nhân lao ngày càng trẻ hóa

Trong khi gia tăng đáng kể số ca mắc lao ở lứa tuổi thanh niên thì đội ngũ cán bộ y bác sĩ làm công tác chống lao lại đang ở mức “báo động đỏ” do thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

 

Bệnh nhân lao ngày càng trẻ hóa - 1


 10 năm chưa tuyển được bác sĩ “ làm lao”

 

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, điều đáng lo ngại nhất trong công tác phòng chống lao hiện nay là tỷ lệ bác sĩ (BS) cho hoạt động này đang thiếu hụt trầm trọng: 1,58 bác sĩ/100.000 dân. Không những thế, hệ thống y tế tuyến huyện chỉ có 50% số cán bộ làm công tác chống lao và chưa được đào tạo.

 

“Cán bộ làm công tác chống lao đang “già đi” do không có người thay thế trong khi bệnh lao lại đang “trẻ lại”. Sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đảm nhận công tác phòng chống lao chính là nguyên nhân sâu xa của việc chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân lao được phát hiện”- ông Sỹ nói.

 

Hiện nay, việc tuyển dụng BS về công tác tại tuyến y tế cơ sở đã khó, tuyển dụng BS về làm công tác chống lao còn khó gấp nhiều lần. Đã thế, nguồn nhân lực “làm lao” vốn thiếu và yếu trầm trọng, nay còn phải đối mặt với nguy cơ “chảy máu chất xám”, bởi nhiều cán bộ có trình độ chuyển sang y tế tư nhân hoặc bổ sung cho các đơn vị y tế khác. Khoa Lao tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, các trung tâm y tế dự phòng, đang thiếu trầm trọng cán bộ làm chương trình chống lao. Đại đa số cán bộ chống lao tuyến huyện là kiêm nhiệm.

 

Một BS tại BV Lao phổi Đà Nẵng chia sẻ: “Đã 10 năm nay chúng tôi chưa tuyển thêm được 1 bác sỹ nào. Sau thế hệ chúng tôi không biết còn ai sẽ “làm lao” nữa”. Cũng với băn khoăn trên, đại diện BV Lao phổi Hà Tĩnh cho hay: “Chúng tôi đang thiếu cán bộ làm công tác phòng chống lao ở cả 2 tuyến tỉnh và huyện. Nguyên nhân một phần do chính sách đãi ngộ thấp, khó thu hút cán bộ mới về”.

 

TS Nguyễn Viết Nhung, PGĐ BV Phổi TƯ thì cho rằng: “BS làm lao có nguy cơ phơi nhiễm cao, nhất là khi tiếp xúc với bệnh nhân lao đa kháng thuốc nhưng chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên tham gia công tác chống lao còn hạn chế. Họ chỉ được hưởng phụ cấp độc hại bằng 40% lương cơ bản, trong khi làm công tác phòng, chống HIV là 70%; cán bộ gián tiếp tiếp xúc với nguồn lây được thêm 20% lương cơ bản, còn trực tiếp là 35% lương. Thế nhưng việc thực hiện triển khai theo quy định này còn gặp nhiều khó khăn do khó xác định thế nào là “trực tiếp” thế nào là “gián tiếp”.

 

“Mức chi cho cán bộ y tế “làm lao” là rất thấp: Khám phát hiện 1 nguồn lây là 20.000 đồng. Chi cho cán bộ y tế khám, phát hiện và đưa bệnh nhân đến huyện, ở miền núi là 30.000 đồng/xã/tháng, đồng bằng 20.000 đồng/xã/tháng. Chi cho cán bộ y tế theo dõi bệnh nhân trong 8 tháng điều trị ở miền núi 150.000 đồng, nơi khác là 100.000 đồng. Nhưng nhiều địa phương cũng chưa thực hiện đúng quy định, chia sẻ nguồn lực cho các hoạt động khác nên thu nhập của cán bộ “làm lao” rất thấp”- ông Nhung cho hay.

 

Năm 2030 sẽ thanh toán bệnh lao ở VN

 

Ông Sỹ cho biết, kế hoạch phòng chống lao VN giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2030 phấn đấu vào năm 2015 sẽ giảm 50% bệnh nhân hiện mắc so với năm 2000. Khống chế tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc năm 2015 bằng mức năm 2010. Đồng thời, giải quyết được những thách thức chủ yếu trong công tác phòng chống lao hiện nay là vấn đề lao/HIV, lao đa kháng thuốc, lao trong nhà tù và các trại…. Đặc biệt, sẽ đẩy lùi, thanh toán bệnh lao ở VN vào năm 2030.

 

Ngoài ra, vào 2015 sẽ có phương pháp mới cho phép xác định người nhiễm lao “tiềm tàng” có thể trở thành lao hoạt động hay không.

 

“Phần nổi của tảng băng chìm”

 

VN hiện đứng thứ 12/22 quốc gia có số người mắc lao nhiều nhất thế giới nhưng qua khảo sát của chương trình phòng chống lao quốc gia, số bệnh nhân lao phát hiện được mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

 

Hiện nước ta mới chỉ phát hiện được khoảng gần 60% số bệnh nhân lao mới và khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hàng năm. Đặc biệt, mới chỉ có 2-3% số bệnh nhân lao kháng đa thuốc được điều trị và quản lý. Số còn lại, thậm chí có cả những bệnh nhân mắc siêu đa kháng thuốc vẫn cư trú tại cộng đồng, không được quản lý, là nguyên nhân khiến bệnh lây lan.

 

Tình trạng bán thuốc chống lao không theo đơn, không kiểm soát được việc điều trị lao của cơ sở y tế tư nhân. Sự phối hợp y tế công tư còn nhiều trở ngại vì có một số lượng lớn bệnh nhân lao tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân và các BV ngoài hệ thống chống lao nhưng không được báo cáo.

 

Điều đáng lo ngại hơn là công tác kiểm soát lao trong nhóm “dân cư đặc biệt” như người nghèo, trong trại giam, trại giáo dưỡng, trung tâm lao động và xã hội… còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị, kinh phí… Trong khi đó, tỷ lệ mắc lao và nhiễm HIV của nhóm này cao gấp 5-10 lần so với cộng đồng.

 

Ông Sỹ cho rằng, cần phải đặt công tác chống lao là một ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhà nước và địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác phát hiện và quản lý ca bệnh. Đây được coi là “chìa khóa” cho công tác kiểm soát bệnh lao và áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới để chẩn đoán nhanh lao. Có như thế, VN mới có thể nhanh chóng thanh toán được căn bệnh này.

 

Theo Dương Hải

Lao động