Huế:

Bệnh nhân bị cắt 2 quả thận đã hoàn toàn bình phục

(Dân trí) - Sau ca mổ đầu tiên tại Huế, chị Hứa Cẩm Tú (người bị cắt “nhầm” thận hình móng ngựa tại BVĐK Cần Thơ) phải trải qua thêm 8 lần mổ nhỏ. Ngày 17/8, thông báo từ Bệnh viện TƯ Huế là chị Tú đã hoàn toàn bình phục, chờ ngày ra viện.

Diễn biến từ ngày 11/7/2012 đến 18/8/2012 của chị Tú được đánh giá: Tình trạng chảy máu khoang sau phúc mạc dai dẳng do rối loạn yếu tố đông máu nên phải mổ lại 8 lần để cầm máu nhiều lần. Đồng thời phải áp dụng phác đồ chống rối loạn đông máu và phác đồ chống thải ghép đặc biệt trên bệnh nhân này.

Kể từ lần mổ cuối cùng đến nay bệnh nhân hoàn toàn ổn định, vết mổ khô, không còn tụ máu khoang sau phúc mạc, không nhiễm trùng, không còn rối loạn đông máu, không xuất hiện hiện tượng thải ghép, chức năng thận tốt. Bệnh nhân đi lại , ăn uống và tiểu tiện bình thường.

Chị Tú đã khỏe mạnh, tươi tắn hoàn toàn

Chị Tú đã khỏe mạnh, tươi tắn hoàn toàn

Dự kiến trong 2 tuần tới, vào ngày 30/8 bệnh nhân sẽ xuất viện và tiếp tục điều trị chống thải ghép tại Bệnh viện đa khoa Cần Thơ theo phác đồ của Bệnh viện Trung ương Huế.

Gặp gỡ PV Dân trí chiều ngày 17/8, GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thở phào nhẹ nhõm và nở nụ cười rất tươi tắn vì đã hoàn thành một “nhiệm vụ lịch sử” trong cuộc đời làm y học của mình. “Đã 8 tháng qua, không ngày nào là tôi thấy ăn ngon ngủ yên với chị Tú. Được sự tin tưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế giao trọng trách thực hiện việc ghép thận phức tạp gần như là hiếm tại Việt Nam, tôi đã dồn hết thời gian và công sức từ việc nghiên cứu, điều trị, giải phẩu, theo dõi sau mổ. Cứ mỗi sáng uống café trước lúc vào làm là tôi nghĩ đến chị Tú. Bằng nhiều cách như thường xuyên vào thăm chị hàng ngày, nếu lúc bận thì tôi điện thoại liên lạc các bác sĩ đang theo dõi ở phòng báo cáo các tình hình bất thường của chị nếu có. Suy nghĩ nhiều đến ca này còn hơn tôi nghĩ về đến ...vợ tôi (cười).

Đây là ca thứ hai phức tạp trong lịch sử mổ ghép thận và là sự cố y khoa hiếm gặp ở Việt Nam. Ca đầu tiên cách đây 25 năm bệnh nhân có một thận bị cắt bỏ do chẩn đoán nhầm sau đó chuyển ra nước ngoài ghép thận nhưng không thành công. Bên cạnh đó là áp lực từ dư luận, báo chí, các ban ngành chuyên môn nên tôi rất bị đè nặng bởi khối trách nhiệm cực kỳ lớn, hơn nhiều lúc chúng tôi tiến hành ca ghép tim đầu tiên thành công bởi đội ngũ y bác sĩ người Việt của bệnh viện năm 2011.

Chị Tú đã khỏe mạnh, tươi tắn hoàn toàn
GS.TS.Bùi Đức Phú, người có công lớn cứu sống chị Tú khi đã trực tiếp chỉ đạo, ghép thận cho chị Tú cùng hội đồng ghép tạng tại bệnh viện. Đây là một cột mốc đáng nhớ nữa trong lịch sử y học Việt Nam thể hiện bản lĩnh và kinh nghiệm của người thầy thuốc - GS Phú

Việc sau ngày mổ đầu tiên, chị Tú đã bị rối loạn đông máu tái diễn, ở thận mới ghép nhiều lần rỉ máu nên chúng tôi phải mổ lại nhiều lần để cầm máu. Đây là điều không cần kỹ thuật quá cao nhưng phải kiên trì và tinh tế trong lúc mổ. Sau đó là phải theo dõi 24/24 để khi có một phản ứng xấu nào là lập tức lên phương án khẩn để mổ lại. Tính ra đã có 8 lần mổ sau ngày mổ đầu tiên với 2 lần mổ. Tổng cộng, chúng tôi đã mổ ghép thận và điều chỉnh sau mổ đến 10 lần mổ. Một quá trình cực kỳ khó khăn và thử thách tinh thần của toàn bộ tập thể y bác sĩ tại bệnh viện. Hơn 70 ca ghép thận trước đây tại bệnh viện, chúng tôi chỉ mổ 1 lần là thành công. Riêng chị Tú là trường hợp phải mổ nhiều lần nhất vì bệnh quá phức tạp.

Hiện chị Tú được ghi nhận không gây phản ứng thải ghép. Đã hơn 1 tuần qua, chị có các thông số ổn định, đi lại, ăn uống tốt. Nhìn nụ cười của chị mới hôm qua mà tôi thấy giảm hết vất vả, thoát khỏi ý nghĩ về chị Tú như thế nào trong suốt 8 tháng qua. Qua trường hợp chị Tú thành công, chúng tôi thấy đây chính là sự thách đố để thử lòng kiên định của 1 tập thể y đức phải có đầy đủ trách nhiệm trước một vấn đề lớn. Nếu sau này có trường hợp như chị Tú nữa thì việc điều trị cũng sẽ đỡ thời gian hơn nhiều”.

Chị Tú đã khỏe mạnh, tươi tắn hoàn toàn
Chị Tú được sự theo dõi điều trị tận tâm của các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức tim với 2 bác sĩ điều trị chính là Th.s Nguyễn Tất Dũng, Phó khoa (đứng giữa) và BS Huệ

Được biết, chi phí trong 8 tháng qua cho chị Tú là 2,5 tỷ đồng được Bệnh viện Trung ương Huế lo hết. BS Phú cũng tâm sự, đây là một gánh nặng cho bệnh viện nhưng vì tất cả cho người bệnh nên bệnh viện đã chi trả hết. Thời gian tới, bệnh viện hy vọng sẽ có phương án “tháo gỡ” khối chi phí lớn này.

Sau khi xuất viện về Cần Thơ điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Trung ương Huế cho, thì cứ 3 tháng đầu, bệnh nhân sẽ được tái khám định kỳ 1 tuần/lần. Ba tháng tiếp theo tái khám 2 tuần/ lần. Các tháng sau là 1 tháng/lần nhằm kiểm tra thận ghép có biến chứng việc thải ghép và có bị tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép hay không. Chị Tú phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Khoảng 3-4 tháng sau sẽ làm việc được bình thường.

Hiện chị Tú ở một mình trong phòng cách ly, hàng ngày rất hạn chế cho gặp người thân đang ở bên cạnh chị những tháng qua là chồng và 2 con trai. “Em ăn ngon lại rồi và thấy trong người bình thường rồi. Cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm. Cứ nghĩ đến ngày xuất viện là em mừng lắm vì đã 8 tháng phải sống trong bệnh viện, nhớ nhà nhớ con. Em sẽ cùng chồng làm lại nghề làm chậu kiểng sau khi em khỏe”, chị Tú nói.

Chị Tú đi lại bình thường trong phòng cách ly đặc biệt khoa Gây mê hồi sức tim
Chị Tú đi lại bình thường trong phòng cách ly đặc biệt khoa Gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm tim mạch BV Trung ương Huế

Xúc động đến ứa nước mắt, anh Nguyễn Thiện Chí, chồng chị Tú cho hay: “Bệnh viện đã sinh ra vợ tui lần thứ 2. Tưởng vợ đã gần chết, nào ngờ được cứu sống kỳ diệu. Tôi và gia đình không biết đền đáp công ơn này thế nào cho hết”. Con trai anh, cháu Nguyễn Minh Toàn cho biết cảm giác rất vui và mong mẹ sẽ sớm về lại với nhà. “Con sẽ gắng học giỏi, ngoan cho mẹ khỏe hơn nữa”, Toàn bẽn lẽn nói.

Trước đây, do bác sĩ Bệnh viện đa khoa cắt “nhầm” một lúc 2 quả thận nên chị Tú rơi vào nguy kịch. Thận của chị cũng thuộc vào dạng hiếm vì là thận hình móng ngựa nên rất khó ghép lại. Bộ Y tế đã chỉ định cho Bệnh viện Trung ương Huế - đơn vị có kinh nghiệm trong việc ghép tim từ người chết cho người bệnh, ghép tạng...

Sau 6 tháng đưa ra điều trị ở Huế, ca mổ chị Tú được thực hiện bắt đầu từ 7h30 ngày 10/7/2012 tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế. Kíp mổ tiến hành dưới sự chỉ đạo và trực tiếp phẫu thuật ghép thận của GS Bùi Đức Phú và Hội đồng ghép tạng Bệnh viện TƯ Huế. Cuộc mổ kết thúc lúc 11h 30 cùng ngày. Nhưng do sau khi mổ hai giờ thì nước tiếu ít dần, nên các bác sĩ đã quyết định mổ lại lúc 13g30 để xác định nguyên nhân do thải ghép tối cấp hay do lưu lượng máu qua thận ghép không đầy đủ làm nước tiểu ít.

Khi mổ lại thấy thận vẫn hồng, động mạch thận vẫn đập nhưng hơi bị co thắt, nên các bác sĩ quyết định cắt hệ giao cảm quanh động mạch thận và cắm lại động mạch thận với động mạch chậu ngoài kiểu tận - bên, đồng thời cho áp dụng  phác đồ chống thải ghép tích cực.

Cuộc mổ lần hai kết thúc lúc 16giờ 30, bệnh nhân vẫn không có nước tiểu, nhưng sau đó một giờ nước tiểu bắt đầu ra nhiều, đến 7h sáng ngày 11/7 đã ra 5 lít nước tiểu, bệnh nhân xem như đã thành công trên 90%. Nhưng phải đến trước cách đây 1 tuần với thêm 8 lần mổ nhỏ thì mới có thể kết luận được rằng chị Tú đã hoàn toàn bình phục.

GS Phú (phải) cùng gia đình chị Tú gồm chị Tú - anh Chí (chồng) và cháu Toàn
GS Phú (phải) cùng gia đình chị Tú gồm chị Tú - anh Chí (chồng) và cháu Toàn

Đây là một sự kiện lớn trong nền y học nước nhà, ghi dấu ấn vào lịch sử y học của GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cùng đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Được biết sắp tới, các y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Cần Thơ sẽ ra Huế để lĩnh hội, trao đổi và học thêm kinh nghiệm từ ca ghép thận thành công chị Hứa Cẩm Tú của Bệnh viện Trung ương Huế.


Đại Dương