Bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối có quyền từ chối điều trị

Khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, người mắc AIDS có quyền từ chối điều trị để không kéo dài nỗi đau đớn của mình. Theo Phó vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, đây là một trong những điểm khác biệt của Luật phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam so với thế giới.

Thưa ông, quyền từ chối điều trị của bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối có thể được xem là một dạng của "cái chết nhân đạo"?

 

Tuy cũng vì mục đích nhân đạo là không bắt người bệnh nặng phải chịu những đau khổ quá lớn đối với khả năng chịu đựng của họ nhưng điều khoản này không giống với luật "cái chết êm ả" đã được thực hiện ở một số nước.

 

Trong quy định này của Luật phòng chống HIV/AIDS, y bác sĩ không chủ động làm ngừng cuộc sống của bệnh nhân mà chỉ chấp thuận nguyện vọng thôi điều trị của họ, để họ không phải kéo dài những ngày tháng đau đớn về thể xác. Đây là một điểm mới của luật pháp Việt Nam so với các nước.

 

Thực tế điều trị tại các bệnh viện cho thấy, nhiều bệnh nhân do không chịu đựng nổi đã không còn thiết sống, hất tung cả ống tiêm khi nhân viên y tế điều trị cho họ.

 

Luật cũng quy định người nhiễm HIV được bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh, cụ thể ra sao?

 

Dự kiến đến tháng 12 sẽ có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng chống HIV/AIDS, trước thời điểm Luật có hiệu lực (tháng 1/2007). Khi đó, các điều khoản trong văn bản quan trọng này sẽ đi vào cuộc sống.

 

Điều khoản này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thuốc điều trị cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, chắc chắn bảo hiểm y tế không thể đài thọ 100% chi phí khám chữa bệnh của họ, vì chi phí này quá lớn. Mức hỗ trợ phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam. Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để lập danh mục thuốc kháng HIV được bảo hiểm y tế chi trả, nhiều khả năng là những thuốc có giá thành thấp, được sản xuất trong nước.

 

Hiện chúng tôi chưa thống kê số người sẽ hưởng lợi từ quy định này. Trên thế giới, tỷ lệ nhiễm HIV trong những người mua bảo hiểm y tế là 0,025%. Nếu tính theo tỷ lệ này thì Việt Nam có khoảng 9.000 người có bảo hiểm y tế.

 

Việc vi phạm những điều cấm như đe dọa truyền HIV cho người khác, bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV... sẽ bị xử phạt như thế nào?

 

Nhiều hành vi sai trái từ trước đến nay vẫn xảy ra trong thực tế, nay đã chính thức bị cấm, như: cha mẹ bỏ rơi con chưa thành niên (hoặc người được giám hộ) nhiễm HIV, đe dọa truyền HIV cho người khác, cố ý làm lây HIV cho người khác (gồm cả việc quan hệ tình dục không an toàn khi đã biết mình nhiễm HIV), từ chối khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV... Người vi phạm có thể bị truy tố hình sự. Chế tài cụ thể đang được xây dựng. 

 

Ông đánh giá chung như thế nào về Luật phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam?

 

Do được tổng hợp, tham khảo từ gần 20 luật về phòng chống HIV/AIDS trên thế giới nên luật của Việt Nam cập nhật được những thông tin mới nhất, quan điểm vì thế cũng rất tiến bộ.

 

Trong đó, điểm nổi bật là việc cho phép áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác hại trong nhóm đối tượng nguy cơ cao như: cung cấp bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch, cai nghiện ma túy bằng liệu pháp dùng thuốc thay thế... Đây là một quyết định mạnh dạn của Việt Nam mà không phải nước nào cũng "dám" quyết, vì có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng các giải pháp này là sự "cổ súy" cho mại dâm và ma túy.

 

Tuy nhiên, thực tế ở một số nước đã chứng minh, các biện pháp can thiệp giảm tác hại giúp làm giảm nguy cơ lây lan HIV ra cộng đồng, và không có bằng chứng nào về việc nó làm tăng các tệ nạn xã hội. Một khi chưa thể giải quyết các tệ nạn này, cách tốt nhất là giảm tối đa tác hại của nó.

 

Theo Thanh Nhàn

Vnexpress