TPHCM:

Bệnh lao ngoài phổi tăng nhanh trong 10 năm qua

(Dân trí) - Trong 10 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao ngoài phổi tại TPHCM đang có biểu hiện tăng nhanh, đây là hậu quả của sự gia tăng về số người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo thống kê trong giai đoạn 2000 đến 2010, có 144. 408 người bệnh đăng ký điều trị lao tại tuyến quận huyện tại TPHCM trong đó có 30.736 (21,3%) được chẩn đoán lao ngoài phổi. Tỷ lệ người mắc lao phổi, đồng nhiễm HIV chiếm tỷ lệ 9,4% (năm 2000 là 3,7%). Trong khi đó tỷ lệ đồng nhiễm HIV ở người được chẩn đoán lao ngoài phổi chiếm tỷ lệ 15,9% (cao nhất là năm 2007 với 26,8%).
 
TS Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Tại TPHCM, tỷ lệ lao ngoài phổi gia tăng rõ rệt trong 10 năm qua. Thời điểm năm 2000, lao ngoài phổi chiếm 16% tổng số đăng ký thì đến thời điểm hiện nay đã lên đến gần 25%. Bên cạnh sự gia tăng năng lực chẩn đoán lao ngoài phổi của ngành y tế , việc gia tăng số người nhiễm HIV trong cộng đồng có thể là nguyên nhân làm tăng số người lao ngoài phổi trên địa bàn".

Lao ngoài phổi thường thấy ở nhóm tuổi trẻ, chiếm 27,9% tổng số bệnh lao ở nhóm tuổi  dưới 35. Lao ngoài phổi gặp nhiều ở  người mới mắc lao so với người có tiền sử điều trị lao. Ngoài ra lao ngoài phổi còn phổ biến ở trẻ em, sinh viên học sinh, cán bộ công chức và công nhân so với người hưu trí, thất nghiệp.

Có 27.548 người bệnh lao ngoài phổi đăng ký điều trị trong mạng lưới chương trình chống lao tại TPHCM từ 2000 đến 2009. Tỷ lệ tử vong trong điều trị chiếm 3,7%
 
Vân Sơn