Thừa Thiên Huế:

Bệnh ghẻ… lan rộng

(Dân trí) - Tin từ Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho biết hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, bệnh ghẻ đang lây lan rất nhanh, trong đó nặng nhất thuộc về các huyện miền núi, vùng cao Nam Đông, A Lưới và các vùng ven.

Riêng ở huyện vùng sâu vùng cao Nam Đông, bệnh ghẻ đã lây lan và phát triển từ hơn 1 năm nay thế nhưng do các tuyến trạm y tế, trạm xã ở trung tâm huyện và ở các thôn, xã thiếu thuốc điều trị đặc hiệu nên không thể khống chế được dịch ghẻ lây trên diện rộng. Rất nhiều hộ dân, gia đình trong đó có cả các đồng chí cán bộ xã, huyện cũng bị bệnh ghẻ tấn công và đã gây ra tình trạng nhiều người dân phải bỏ dở cả công việc đồng áng, sinh hoạt hằng ngày để… chữa ghẻ.

 

Dịch ghẻ bùng phát nặng nhất ở các xã như Thượng Nhật, Thượng Lô, Hương Hữu… Ghẻ lở tấn công không trừ bất cứ ai nhưng đông nhất vẫn là các em học sinh đang độ tuổi đến trường ở các cấp học tiểu học, trung học, riêng trường THPT nội trú Nam Đông có đến hơn 115 em học sinh phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà điều trị bệnh ghẻ. Trong đó có không ít trường hợp bị biến chứng gây viêm da, mưng mủ, mụn nhọt mọc khắp toàn thân.

 

Theo các bác sỹ ở bệnh viện Trung ương Huế, nguyên nhân gây bùng phát, lây lan dịch ghẻ trên địa bàn một phần do thời tiết thất thường và do trong sinh hoạt hằng ngày bà con người dân thiếu ý thức vệ sinh, nơi ở chật chội không được làm sạch thường xuyên… Các bác sỹ cũng khuyên các bệnh nhân bị ghẻ không nên tiếp tục ngứa đâu gãi đó vì như thế sẽ dẫn đến tình trạng mưng mủ, kích ứng ở da làm các vi khuẩn ghẻ dễ lây lan, xâm nhập qua người khác.

 

Bệnh ghẻ là bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei, Hominis, chúng đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng.

 

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ghẻ, đó là một bệnh ngoài da phổ biến, nhất là ở những nơi chật chội, thiếu vệ sinh...

 

Con cái ghẻ thường bò lên da về ban đêm cho nên hay lây lan cho những người dùng chung chăn chiếu. Ghẻ cũng có thể lây lan gián tiếp qua đồ dùng, đồ chơi trẻ em, quần áo hay trực tiếp qua bắt tay... Thời kỳ ủ bệnh thay đổi từ 2 - 40 ngày, trung bình từ 10 - 15 ngày. Lúc đầu thấy ngứa ở các kẽ, như kẽ ngón tay, kẽ dưới vú (ở đàn bà), rãnh quy đầu, kẽ mông ở trẻ em... Ngứa lan dần nhanh chóng ra toàn thân. Ngứa nhiều về ban đêm.

 

Nếu được điều trị bằng các loại thuốc chuyên dụng, bệnh ghẻ khỏi nhanh, có thể để lại sẩn ngứa hoặc chàm rất dai dẳng. Nếu không được điều trị, bệnh không tự khỏi. Tiến triến ngày một nặng thêm và kèm theo các biến chứng như nhiễm khuẩn thứ phát, chàm hoá, có khi viêm cầu thận do nhiễm khuẩn phụ.

 
Bài - ảnh: Phong Vân