Bệnh “bị toilet cầm tù”

Phải chịu đựng nỗi khổ lớn chưa từng có trong đời, các ông đều nhất nhất từ chối các cuộc vui chỗ đông người do phải vào toilet đến vài chục lần. Và ban đêm cũng chẳng khá hơn, các ông chỉ thao thức nằm chờ để đi tiểu lần tiếp theo.

Hết ngày dài đến đêm thâu

 

Một tháng nay, ông Vũ (62 tuổi, ở Hào Nam, Q.Đống Đa, Hà Nội) không bao giờ đến chỗ đông người, thậm chí ra đường, bởi cứ khoảng chục phút là ông lại thấy... mắc tiểu, nếu không có toilet “cấp cứu” thì ông sẽ “dầm” tại chỗ như em bé vài tháng tuổi. Nhất là về đêm, chưa bao giờ ông được ngủ trọn giấc bởi những cuộc ra - vào toilet lục xục suốt đêm.

 

Với ông Hoan (mới 54, ở Q.Thanh Xuân), việc mót tiểu liên tục cũng là nỗi khổ khó tả, và giấc ngủ đêm cũng là niềm khao khát xa xôi. Ông Hoan mắc “sự cố tiểu tiện” đã 3 tháng nay và do quá xấu hổ với chứng bệnh trẻ nít này, ông không dám thổ lộ với ai. Cho đến một đêm, ông mệt vì đi tiểu liên tục đến nỗi ngã gục, kéo đổ đồ đạc trong phòng; các con ông hoảng hốt chạy vào và ông đành thú nhận chứng bệnh đang hành hạ ông cả ngày lẫn đêm.

 

Tại phòng khám, cả ông Hoan và ông Vũ đều cho biết các ông đang phải chịu đựng nỗi khổ lớn chưa từng có trong đời chỉ vì chuyện... đi tiểu. Các ông đều nhất nhất từ chối các cuộc vui chỗ đông người do phải vào toilet vài chục lần vào ban ngày. Còn ban đêm, các ông cũng gần như bị cầm tù trong toilet, chỉ thao thức nằm chờ để đi tiểu lần tiếp theo.

 

Với người bệnh như ông Hoan, ông Vũ, đi tiểu là một cực hình bởi các ông tiểu rất khó và lâu, tiểu xong vẫn còn muốn “đi” tiếp. Đặc biệt, việc nín tiểu là KHÔNG THỂ, dù các ông ở bất cứ đâu, lúc khoẻ hay yếu. Nhu cầu tiểu tiện thúc bách đến nỗi có bệnh nhân, trong khi chờ khám, vừa đứng lên để chạy vào nhà vệ sinh, đã sững sờ “trút nước” ngay trước cửa phòng bác sĩ.

 

Các ông đều cho biết chứng bệnh này khiến họ suy kiệt và nhất là, không được sống như người bình thường, với những điều giản dị nhất như được giao tiếp và được ngủ trọn 1 đêm.

 

Nhiều nam giới cao tuổi mắc “bệnh trẻ nít”

 

GS.TS Trần Quán Anh - Chủ tịch hội Tiết niệu & Thận học Việt Nam cho biết, các triệu chứng trên là vài trong nhiều biểu hiện của bệnh u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (UTTL), thường gặp ở nam giới cao tuổi. Thống kê ở Việt Nam cho thấy bệnh nhân trẻ nhất là 47 tuổi, già nhất trên 90 tuổi và trung bình là tuổi 60.

 

Thống kê cũng cho thấy, ở độ tuổi 60, tỷ lệ người mắc UTTL lên đến 59%. Và nếu tính theo tuổi thọ của người VN (72,5 tuổi), tỷ lệ mắc bệnh UTTL lên tới 80%.

 

GS.TS Trần Quán Anh cho biết, trước đây, y học điều trị UTTL theo quan điểm điều trị tích cực (phẫu thuật) với trường hợp khối u to; khối u nhỏ thì chưa đáng quan tâm. Tuy nhiên, do bệnh thường gặp ở bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, UTTL ngày nay được chỉ định điều trị dựa trên chất lượng cuộc sống của người bệnh, với chủ trương “phát hiện sớm để điều trị nội khoa (bằng thuốc), tránh mổ”.

 

Với các trường hợp đến phòng khám khi đã quá muộn, hoặc trường hợp đã mổ ở các nơi khác nhau nhưng chất lượng tiểu tiện không cải thiện, GS. Trần Quán Anh thường khuyên đến 4 bệnh viện Việt Đức, 108, Hữu Nghị, Xanhpôn. Theo GS, đây là các cơ sở có trình độ chuyên môn vững tay, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh cao (thường có các chứng cao huyết áp, đái đường, suy tim mạch, hô hấp... đi kèm). Và tại các cơ sở này, nhiều bệnh nhân được hưởng chế độ BHYT.
 

Tự khám bệnh

(thời gian xem xét: khoảng 1 tháng qua)

 

1. Cảm thấy mình tiểu chưa hết mấy lần?

2. Phải đi tiểu lại trong khoảng 2 giờ bao nhiêu lần?

 

3. Bao nhiêu lần đang tiểu thì bị ngưng và sau đó lại tiểu lại nhiều lần như vậy?

 

4. Bao nhiêu lần cảm thấy khó tiểu?

 

5. Bao nhiêu lần cảm thấy tiểu yếu?

 

6. Bao nhiêu lần phải rặn hoặc cố sức mới có thể bắt đầu tiểu được?

 

Thang điểm: Hoàn toàn không (0 điểm), ít hơn 1-5 lần (1điểm), ít hơn 1-2 lần (2 điểm), khoảng 1-2 lần (3 điểm), hơn 1-2 lần (4 điểm), hầu như thường xuyên (5 điểm)

 

Xếp loại:

 

- Từ 0-7 điểm: mức độ nhẹ chưa cần điều trị

 

- Từ 8-19 điểm: mức độ trung bình cần được điều trị

 

- Từ 20-35 điểm: mức độ nặng cần can thiệp tích cực

 

Tự chấm điểm chất lượng sống: Sống với tình hình tiết niệu hiện nay, ông thấy thế nào?

 

- Thang điểm: Rất tốt (0 điểm), tốt 91), tạm được (2), vùa phải 93), không thích thú (4), khốn khổ (5), không thể chịu (6)

 

- Đánh giá: Từ 0-2 điểm (có thể chấp nhận được), từ 3-6 điểm (phải can thiệp tích cực để cải thiện.

 

Theo Quảng Hạnh

Vietnamnet