Bé trai 1 tuổi mất đốt ngón tay vì nghịch gạch

(Dân trí) - Đưa con ra ngoài sân chơi, thấy bé mải mê nghịch đống gạch trước sân nhà mọi người chủ quan nghĩ không nguy hiểm. Bỗng bé khóc ré lên mọi người mới lao tới thì thấy viên gạch rơi nằm đè lên tay cháu, gây dập hai đầu ngón tay bàn tay trái.

Bé trai P.V.T mới được 12 tháng tuổi (Cẩm Định, Cẩm Giàng, Hải Dương) được gia đình đưa ngay lên bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Do ngón tay đã bị dập nên bác sĩ đã phải phẫu thuật làm mỏm cụt một đốt ngón tay.

BS Đồng Văn Hệ, khoa Phẫu thuật thần kinh (BV Việt Đức), những tai nạn thương tích như trường hợp của bé T. thường xuyên gặp tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Các cháu còn quá nhỏ để nhận biết mối hiểm nguy nên không có lỗi, mà lỗi chính ở sự bất cẩn của người lớn.

Như trường hợp của bé Bé P.V.Q (4 tuổi ở Bình Kiên, Khoái Châu, Hưng Yên) nhập viện Việt Đức hôm 19/10 vì tai nạn giao thông. Bé mới 4 tuổi nhưng gia đình đã để bé một mình đi bộ sang đường. Hậu quả là bé đã bị ôtô đâm phải, gây chấn thương khá nặng. Cháu bị vết thương bàn tay phải, vết thương đứt gân duỗi ngón tay, vết thương ở chân… và bị gãy kín xương chằng phải. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt lọc, khâu che khớp, bó bột 1/3 cẳng bàn chân…

Tương tự trường hợp này là trường hợp một bé trai 5 tuổi ở Hương Canh (Vĩnh Phúc). Bé sang đường quốc lộ mà không có người lớn đi kèm nên cũng bị xe ôtô đâm phải và bị thương tích nặng nề, gây chấn thương sọ não và máu tụ ngoài màng cứng .

Hay như mới đây là trường hợp cháu Đ.N.H (13 tuổi ở Bắc Giang) bị ngã từ xe máy xuống đất khi ngồi sau xe máy của người lớn do ngủ ngật. “Trong trường hợp này, nếu bố mẹ không chủ quan, đón cháu đi học về dùng đai thắt thì có lẽ, bé đã không phải trải qua ca phẫu thuật lấy máu tụ ngoài màng cứng thái dương. Các tai nạn thương tích luôn rình rập con trẻ mà chúng ta không thể lường trước. Vì thế, người lớn hãy luôn để mắt tới trẻ, để các bé không phải chịu hậu quả của những tai nạn đáng tiếc”, BS Hệ nói.

Hồng Hải