Bé Cu đã được phẫu thuật chuyển gốc động mạch

(Dân trí) - Bé Nguyễn Văn Cu, người anh em song sinh dính phần bụng với cháu Nguyễn Văn Cò vừa được phẫu thuật chuyển gốc động mạch chiều qua. Ca phẫu thuật đã thành công, nhưng phải theo dõi ít nhất 3 ngày nữa bác sĩ mới dám khẳng định bé Cu có hồi phục hay không.

Ca phẫu thuật hứa hẹn thành công

BS Trần Minh Điển, Trưởng khoa Hồi sức ngoại (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, 9h sáng 29/12, bệnh nhi Cu được chuyển vào phòng mổ. Ca phẫu thuật do bác sĩ khoa Tim mạch của Bệnh viện Nhi T.Ư và chuyên gia Hàn Quốc phối hợp thực hiện.

Vào 13h10 chiều cùng ngày, bác sĩ đã cho ngừng chạy máy để tim bệnh nhi tự hoạt động trở lại. Đến 15h10 ca mổ kết thúc thành công bước đầu, bệnh nhi được chuyển về khoa Hồi sức ngoại để theo dõi.

TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: "Trước mắt, việc chữa trị cho cháu Cu khỏi hẳn và sống khỏe mạnh cũng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do bản chất bệnh tim bẩm sinh khá phức tạp, trong khi đó bé Cu rất nhẹ cân, lại vừa phải trải qua ca phẫu thuật tách dính cách đây hơn 10 ngày.

Ba ngày sau ca phẫu thuật tim mới có thể khẳng định ca mổ có thành công hay không. Hiện nay, bệnh nhi Cu đang được theo dõi các chỉ số cơ thể từng phút. Ngoài ra, các bác sĩ cũng cho bé Cu sử dụng thuốc vận mạch và bồi phụ các chất trong máu.

Còn cháu Cò, người anh em song sinh với cháu Cu hiện sức khoẻ đã hoàn toàn ổn định. Bé đang ở quê nhà với mẹ và trở lại bú mẹ như bình thường.

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật thành công 12 ca dị tật tim chuyển gốc động mạch, trong đó, bé nhẹ cân nhất là 2,8kg.
 
Vì thế, các bác sĩ đã có đủ niềm tin để tiến hành phẫu thuật cho bé Cu, hi vọng ca phẫu thuật sẽ thành công, bé Cu sẽ có cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.
Bé Cu đã được phẫu thuật chuyển gốc động mạch - 1
 
Bé Cu sau ca phẫu thuật chuyển gốc động mạch đang được điều trị tích cực tại BV Nhi T.Ư
(Ảnh: BS Đinh Hồng Kỳ cung cấp)

Phải phẫu thuật trước 45 ngày tuổi

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, chuyển gốc động mạch là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp nhưng lại là bệnh nặng nhất trong các loại dị tật tim bẩm sinh, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm. Theo thống kê, trẻ bị dị tật chuyển gốc động mạch chiếm khoảng 5 - 7% số trẻ bị dị tật tim.

Nếu không được phát hiện kịp thời, tỉ lệ tử vong là 30% trong tuần đầu sinh ra, 50% trong tháng đầu và 90% tử vong trong năm đầu tiên.

Việc điều trị nội khoa bằng thuốc chỉ đạt hiệu quả đến một lúc nào đó, thường là trước 45 ngày tuổi, còn sau đó, bệnh nhi bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật, trả gốc động mạch về đúng vị trí thì mới có thể duy trì tuần hoàn máu tốt nuôi dưỡng cơ thể.

Dị tật tim chuyển gốc động mạch không có yếu tố di truyền mà thường gặp do bất thường trong thời kỳ thai nghén như người mẹ bị ốm, mang thai khi tuổi đã cao…

Dị tật chuyển gốc động mạch ở trẻ sơ sinh là do bất thường trong quá trình tạo hình trái tim lúc phôi thai dẫn đến việc động mạch phổi và động mạch chủ “đổi chỗ” cho nhau.

Bình thường, động mạch chủ lấy máu giàu oxy từ tâm thất trái, động mạch phổi đưa máu nghèo ôxy từ tâm thất phải về phổi. Ở phổi, máu được cung cấp đủ ôxy trở về thất trái từ đó qua động mạch chủ nuôi cơ thể.

Nhưng ở trường hợp dị tật đảo gốc động mạch thì gốc động mạch chủ gắn vào vị trí của động mạch phổi còn gốc động mạch phổi gắn vào vị trí của động mạch chủ.

Những bệnh nhân này sống được là do giữa nhĩ trái và phải có một lỗ thông, do đó lượng máu tuần hoàn trong cơ thể trộn lẫn giữa hai loại máu giàu oxy và thiếu oxy. Tuy nhiên, lỗ thông này phải đủ to thì cơ thể mới tồn tại được.

Hồng Hải