Bé bị xe cán văng khỏi bụng mẹ chập chững bước đi trên chân giả

(Dân trí) - Gần 1 năm sau tai nạn thảm khốc khiến người mẹ vĩnh viễn ra đi, bé Nguyễn Gia Huy đã chập chứng những bước đi đầu đời bằng chân giả. Sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng đang xoa dịu nỗi đau, tạo tiền đề để người cha tật nguyền nuôi dưỡng 2 đứa con thơ.

Bé Quốc Huy chập chững những bước đầu đời trên chân giả

Chiều 29/9, bé Nguyễn Quốc Huy (1 tuổi) nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hồi tháng 10 năm 2014 đã quay lại bệnh viện Nhi Đống 1 tái khám. Khoảng 2 tuần trước đó, cháu đã được một đơn vị hảo tâm tài trợ chiếc chân giả (chân phải) để hỗ trợ cho việc vận động.

Bé Quốc Huy trong vòng tay cha trước khi vào khoa Vật lý Trị liệu tái khám
Bé Quốc Huy trong vòng tay cha trước khi vào khoa Vật lý Trị liệu tái khám

Chưa quen với bộ phận nhân tạo của cơ thể, Quốc Huy tỏ vẻ khó chịu và thường xuyên quấy khóc khi bác sĩ tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên, theo thông tin từ anh Nguyễn Văn Nam (bố của bé), nhờ bộ phận chân giả khi ở nhà, được gia đình cổ vũ, động viên, bé Quốc Huy đã tự vịn ghế đứng dậy, đi được những bước đầu đời.

Người cha nở nụ cười méo mó tâm sự: “Thằng bé đi lại được là niềm vui không gì tả nổi của cả gia đình tôi, mong sao Quốc Huy sẽ vững bước để vượt qua sự nghiệt ngã định mệnh của số phận từ ngày phải chào đời một cách bết đắc dĩ dưới bánh xe tải”.

Trong buổi tái khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bé đã được y bác sĩ tập vận động co duỗi chân, đi lại bằng ghế vịn có bánh xe lăn, tập trườn, bò... Theo nhận định của Cử nhân Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, mặc dù phải cắt cụt chân trên khớp gối, nhưng nhờ tuân thủ quy trình tập vật lý trị liệu, phần mỏm cụt của bé phát triển đều và thẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp chân giả. Nếu nhìn bên ngoài, bộ phận chân giả của cháu khá thẳng, cấu tạo của chân giả đảm bảo tốt cho vận động co duỗi.

Bé bị xe cán văng khỏi bụng mẹ chập chững bước đi trên chân giả - 2
Cháu đã chập chứng những bước đi đầu đời trên chiếc chân giả
Cháu đã chập chứng những bước đi đầu đời trên chiếc chân giả

Cũng theo phân tích của vị trưởng khoa thì trong thời gian đầu khi mang chân giả, bé sẽ có cảm giác khó chịu do vướng víu. Tuy nhiên, lâu dần cháu sẽ quen và biết cách sử dụng bộ phận chân giả. Bước đầu, việc vật lý trị liệu và tập vận động sẽ hướng đến giúp bé bước đi được trên mặt đường bằng phẳng, sau đó tiến tới bước đi và tránh né các chướng ngại vật trên đường đồng thời leo dốc và cầu thang. Các chuyên gia y tế hy vọng, khi được 4 đến 5 tuổi, bé Quốc Huy sẽ tự đi lại được mà không cần đến bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào.

Nhìn cậu bé với gương mặt kháu khỉnh khó nhọc trong từng bước đi, những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng, ai cũng hy vọng cháu sẽ vững vàng vượt qua mọi chông gai thử thách của cuộc sống. Niềm hy vọng ấy đang hiện hữu nhờ sự quan tâm giúp sức của cộng đồng.

Từ sau khi Dân trí đăng bài viết: “Đau xé lòng vụ thai phụ bị xe cán, thai nhi văng ra đường” đến nay, gia đình anh Nam đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần.

BS Thanh Tâm người đã theo suốt quá trình Quốc Huy điều trị tại khoa Hồi sức
BS Thanh Tâm người đã theo suốt quá trình Quốc Huy điều trị tại khoa Hồi sức

Anh Nam tâm sự: “Với một chân đã bị cắt cụt, tôi khó có thể trở lại với công việc lao động chân tay như trước đây. Rồi mai này, bé Quốc Huy cũng sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn khác khi cũng trong cảnh tật nguyền như tôi. Bố con tôi đã vượt qua được khó khăn nhất khi phải đối mặt với tử thần nhờ sự đùm bọc của cộng đồng và cũng nhờ tình thương ấy tôi đang có được những tiền đề quan trọng để lo cho 2 đứa con thơ”.

“Với số tiền bạn đọc giúp, hiện tại tôi đã cất được căn nhà nhỏ, đón các con về bên nội sinh sống, đồng thời mua được 50 công đất (mỗi công 37 triệu) để cho bà con thuê lại canh tác. Số tiền thu được hàng năm, tôi sẽ dành dụm lo cho các con ăn học và sẽ sử dụng một phần để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khốn khó như mình trước đây”, anh Nam vui vẻ tâm sự.

Vân Sơn