Bé 8 tuổi lên cơn co giật vì ám ảnh cảnh phim bạo lực

(Dân trí) - Một bé gái 8 tuổi ở Nho Quan, Ninh Bình vừa phải trải qua 10 ngày điều trị tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) với tình trạng hay bị hồi hộp, hoảng hốt, thỉnh thoảng lại la hét vì sợ hãi…

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhi này được gia đình đưa đến viện trong tình trạng bé liên tục bị nôn và lên cơn con giật, co quắt chân tay, hoảng sợ. Khi nghe kể rất kỹ về biểu hiện tâm lý thời gian gần đây của bé, các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhi nhập viện để tìm hiểu nguyên nhân.
 
Không nên cho trẻ xem ti vi quá 2 tiếng/ngày và cần lựa chọn kênh, loại phim phù hợp với trẻ.
Không nên cho trẻ xem ti vi quá 2 tiếng/ngày và cần lựa chọn kênh, loại phim phù hợp với trẻ.
Theo đó, cách đây hơn một tháng, bé nói với mẹ là hay cảm thấy sợ hãi, tự dưng lại cầm tay mẹ đặt lên ngực để… “mẹ thấy tim con đập nhanh không” và bé có thêm biểu hiện mệt mỏi. Lúc đầu, gia đình chỉ nghĩ hiện tượng tim đập nhanh, mệt mỏi là do bé vừa chơi đùa, chạy nhảy nên cũng không coi là nghiêm trọng, bất thường.

“Tuy nhiên, trong một lần đang ngồi xem phim cùng cả nhà, bé tự dưng nôn khan dữ dội. Ôm con vào lòng thì thấy trống ngực đập thình thịch, bé hoảng hốt, kêu đau đầu… và gia đình đã quyết định cho con đi khám”, người nhà cháu bé cho biết.

TS Dũng cho biết, vì tình trạng bé hay nôn dữ dội, các bác sĩ đã chỉ định làm các chẩn đoán  về tiêu hóa, tuy nhiên kết quả hoàn toàn bình thường. Đường tiêu hóa không phải là nguyên nhân gây nên các cơn nôn dữ dội của trẻ. Các xét nghiệm sinh hóa cũng bình thường. Còn với điện tâm đồ bác sĩ phát hiện nhịp tim có rối loạn, lúc nhanh, lúc chậm, lúc loạn nhịp.

“Khi theo dõi cơn co giật của bé, chúng tôi phát hiện các cơn co giật của trẻ rất khác. Nó không giống với cơn co giật của động kinh hay sốt cao khiến trẻ bị giật toàn thân mà khi bị giật, bé chỉ bị co quắp chân, tay. Chưa kể, bé bị tác động khi nhìn thấy hình ảnh của bệnh nhân bên cạnh. Đã xảy ra tình huống, bệnh nhi giường bên cạnh bị sốt cao, bé đang nằm chơi bình thường nhìn thấy bạn bị co giật, lập tức cũng có phản xạ co giật, méo miệng, cắn lưỡi”, BS Nguyễn Hồng Phong cho biết.

Kết quả hội chẩn với các chuyên gia về thần kinh, ngộ độc, tiêu hoá cho thấy, khả năng lớn bé bị rối loạn tâm thần do một tác động nào đó.

Trong quá trình điều trị, những lúc bé tỉnh táo, bác sĩ tiếp cận trò chuyện, bé mới chia sẻ, bé được tự do xem ti vi nên bé xem phim rất nhiều. Bé chia sẻ có lần  xem phim kinh dị, bắn nhau, máu chảy nhiều lắm. Đến khi bé tắt ti vi đi rồi, tiếng súng vẫn cứ vang lên trong đầu rồi tim đập nhanh, vã mồ hôi.

Gia đình bệnh nhi cho biết, bé được thoải mái xem ti vi vì mẹ mới sinh em bé, bố bận đi làm nên không ai kiểm soát bé. Bác sĩ nhận định, chính sự tác động của những hình ảnh kinh dị, hành động đánh đấm, máu me đã tác động gây rối loạn tâm thần. Vì thế, bé được bác sĩ kê thuốc an thần để ngủ và cách ly hoàn toàn với ti vi. Hiện sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hiện bé đã ổn định, hoạt bát bình thường.

“Chúng tôi đã dặn gia đình, khi bé được xuất viện, không nên cho bé xem nhiều ti vi và xem cần có chọn lọc kênh, phim phù hợp với độ tuổi của cháu. Thời gian xem ti vi cũng không nên quá 2 tiếng/ngày. Việc xem ti vi quá nhiều không chỉ hại mắt trẻ, ảnh hưởng đến thần kinh, dinh dưỡng (béo phì do ngồi quá nhiều) mà còn có thể gây những tác động tiêu cực, nguy hiểm đến hành vi của bé sau này”, TS Dũng cảnh báo.

Hồng Hải