Bé 7 tháng tuổi chết oan, BV không có lỗi?

Một bé gái 7 tháng tuổi bị viêm phổi vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng 5 ngày bệnh tình không đỡ, gia đình xin chuyển viện nhưng không được chấp thuận. Khi bé bị suy thận, bác sĩ mới cho đi nhưng bé gái này đã chết trên đường đi cấp cứu.

 

Bé 7 tháng tuổi chết oan, BV không có lỗi?  - 1

BV ĐK Sóc Trăng - Nơi bé Sang nằm điều trị 5 ngày
 

Bệnh viện chối bỏ trách nhiệm?

 

Bé gái 7 tháng tuổi bị chết oan tên là L‎‎ý Sang Sang ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình bệnh nhân Sang đã có đơn tố cáo bác sĩ (BS) Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng (BVĐKST) gây nên cái chết oan uổng cho bé Sang gửi các cơ quan chức năng.

 

BVĐKST sau khi nhận được đơn tố cáo, ngày 22/9 đã có công văn trả lời như sau: Bệnh nhi Lý Sang Sang nhập viện lúc 5h20 ngày 11/8 tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc Nhi. Bác sĩ (BS) chẩn đoán: viêm phổi nặng, nhiễm trùng đường ruột, theo dõi nhiễm trùng huyết. Và chuyển viện lúc 13h30 ngày 16/8.

 

Về ca bệnh này, Hội đồng chuyên môn họp ngày 13/9 và có kết luận như sau: Bệnh nhi đã được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị tích cực, đúng phác đồ, tiên lượng bệnh nặng là phù hợp với diễn biến của bệnh. Khi chuyển viện: Có giải thích với người nhà tình trạng bé rất nặng, chuyển viện sẽ không an toàn. Đã hội ý với BV tuyến trên, tuyến trên từ chối xuống chuyển bệnh. Cuối cùng, BVĐKST  chuyển BV Nhi đồng II TP Hồ Chí Minh do gia đình cương quyết ký giấy cam đoan yêu cầu chuyển viện, chấp nhận rủi ro trong quá trình chuyển viện.

 

Trường hợp bệnh nhân này rất nặng mà khoa không báo Lãnh đạo điều BS đi chuyển viện là thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Giám đốc BVĐKST  Nguyễn Thanh Hoàng đã ký công văn này.

 

Như vậy, với cách giải thích của ông giám đốc BVĐKST thì có thể hiểu là do người nhà bệnh nhân đòi chuyển viện nên đã dẫn đến cái chết của cháu bé còn BV không hề có lỗi!? Vậy trách nhiệm của BV ở đâu? Nếu Hội đồng chuyên môn khẳng định các BS đã chẩn đoán đúng bệnh, điều trị tích cực, đúng phác đồ…vậy vì sao bệnh nhân bệnh ngày một nặng hơn? Nếu bệnh nhân bệnh nặng điều trị không có kết quả, BVĐKST là BV tuyến dưới vượt quá khả năng chuyên môn tại sao BV không sớm chủ động chuyển bệnh nhân về tuyến trên điều trị?

 

Khi gia đình bệnh nhân yêu cầu chuyển viện BV lại gây khó dễ và đưa ra lí do: “Tình trạng bé rất nặng, chuyển viện sẽ không an toàn…” đến khi gia đình cương quyết đòi chuyển thì BV bắt người nhà bệnh nhân ký giấy cam đoan yêu cầu chuyển viện và “chấp nhận rủi ro trong quá trình chuyển viện”. Liệu đây có phải là cách để BVĐKST chối bỏ trách nhiệm với bệnh nhân?

 

Người nhà bệnh nhân “tố” BV gian dối

 

Anh L‎ý Thạch Đệ cha của bé Lý Sang Sang đã rất bức xức về những nội dung trả lời của ông giám đốc BVĐKST Nguyễn Thanh Hoàng. Anh Đệ cho rằng, lãnh đạo BV vẫn cố tình gian dối bao che cho những sai sót chết người.

 

“Thời gian chuyển viện là 14h30 ngày 16/8 mà họ nói là 13h30 là nói dối. Từ sáng ngày 16/8 gia đình tôi phải ngồi chờ đợi trong lo lắng, thương xót trước bệnh tình của cháu chỉ vì “lãnh đạo đi vắng, đầu giờ chiều mới ký duyệt hồ sơ chuyển viện””, anh Đệ nói.

 

“Trong mấy ngày nằm viện, thấy sức khỏe của cháu không thuyên giảm, gia đình nhiều lần tham khảo ý kiến bác sĩ Âu Hữu Đức, Trưởng Khoa Cấp Cứu, và xin được chuyển viện lên tuyến trên để điều trị tốt hơn. Nhưng bác sĩ Đức cứ nói “không sao đâu. Ở đây chữa được”. Và “bệnh trong tầm kiểm soát”. Vậy mà đến sáng ngày 15/8 cũng chính ông ta lại nói  BV không có máy lọc máu, lọc thận, không thể chữa khỏi, nếu được điều trị tại BV Nhi Đồng thì quá tốt!... Đến giờ họ lại nói “tiên lượng bệnh rất nặng là phù hợp diễn biến của bệnh” là quá vô trách nhiệm”, anh Đệ bức xúc.

 

Theo lời anh Đệ việc chuyển viện có rất nhiều điều mờ ám, cố tình gây khó dễ cho gia đình. “Khi gia đình tôi yêu cầu chuyển viện gấp thì BS Đức nói BV không có xe chuyên dụng. Khi gia đình thuê xe cấp cứu chuyên dụng từ BV Trưng Vương kết hợp với BV Nhi đồng 2 tại Sài Gòn đáng lẽ ra họ phải tạo mọi điều kiện cho xe đến chuyển viện thì không biết BS Đức nói sao, 2 đơn vị này đã từ chối không cho xe xuống với lý do  “không có hy vọng”. Gia đình tiếp tục thuê xe lần thứ 2 ở đơn vị khác, nhưng khi gia đình thông báo thuê được xe, BS Đức lại bảo hủy chuyến xe này đi, lý do là “BV có xe rồi” và có BS theo xe. Nhưng kết cục là con tôi chết trên xe lúc nào cả 2 điều dưỡng theo xe cũng không hay biết. Chỉ khi đến BV Nhi Đồng 2, TPHCM, sau khi được thăm khám BS  xác định em bé đã chết trên đường chuyển viện. Tôi đau đớn quá!”, anh Đệ kể lại.

 

Cho rằng, con gái bị chết oan uổng vì BVĐKST đã vô trách nhiệm, thiếu y đức, yếu kém về chuyên môn. Đến khi xảy ra hậu quả chết người,  ông giám đốc BV lại không hề nhận sai sót để có biện pháp xử lý, giải quyết thỏa đáng mà chỉ cho đó là “thiếu sót cần rút kinh nghiệm”. Mọi sai sót họ lại đổ tất cả lên gia đình bệnh nhân. Gia đình bé Sang đã rất bức xúc, không chấp nhận cách giải quyết của BVĐKST và sẽ tiếp tục khiếu kiện vụ việc này lên Bộ Y tế.

 

Theo Ngọc Phương

Lao động