Bé 11 tuổi tắc ruột vì ăn sơ-ri không bỏ hạt

(Dân trí) - Trước khi nhập viện 3 ngày, bé trai T. V. K., 11 tuổi, ở Tây Ninh bị đau bụng từng cơn, nôn ói ra nước, đi cầu không được. Người nhà mua thuốc cho cháu uống không giảm nên phải đưa cháu đến viện Nhi đồng 1.

Khám bệnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi khát nước nhiều, bụng sình chướng, không đi cầu được nhưng hậu môn lại rỉ ra nước màu vàng, thụt tháo không ra phân. Kết quả chụp phim X-quang có nhiều mực nước hơi, siêu âm thấy được hình ảnh các quai ruột giãn chứa dịch nằm cạnh các quai ruột xẹp. Chẩn đoán bệnh tắc ruột, K. được điều trị truyền dịch, nhịn ăn uống và đặt ống thông dạ dày để theo dõi. Tuy nhiên, triệu chứng đau bụng càng về sau trở nên dồn dập và thường xuyên hơn, bụng sình hơn đồng thời cháu ói nhiều nước vàng.

 

Lúc này các xét nghiệm kiểm tra cũng cho thấy có hình ảnh mức hơi nước ở giữa bụng và quai ruột báo động, siêu âm hình ảnh tắc ruột rõ hơn nên phải phẫu thuật. Kết quả xác định nguyên nhân tắc ruột và giãn ruột là một khối cứng bã thức ăn do hạt sơ ri đã kết thành.

 

Lúc này K. mới cho biết liên tiếp mấy ngày trước có hái ăn nhiều trái sơ ri và nuốt luôn cả hạt. Sau hơn một tuần điều trị vết mổ lành tốt, các triệu chứng bệnh không còn , bé K. đã được xuất viện.

 

Để đảm bảo an toàn trong ăn uống cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý cẩn thận lọai bỏ hột trước khi cho trẻ nhỏ ăn trái cây có hạt. Hướng dẫn trẻ nhằn hột, lấy hột ra, không được nuốt cả hột khi ăn trái sơ ri để tránh nguy cơ gây tắc ruột nguy hiểm cho bé.

 

BS Hải Thoa

Theo BVNhi đồng 1