Bắt cóc chiên ăn, 3 bé gái nhập viện

(Dân trí) - Bắt được con cóc to, 3 bé gái lột da rồi dùng dầu chiên và chia nhau ăn. Hơn một tiếng sau các bé đều bị đau đầu, nôn ói dữ dội. Tại bệnh viện bác sĩ chẩn đoán 3 trẻ bị ngộ độc do ăn phải chất bufotoxine có trong da, trứng, gan cóc.

Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc là L.T.T.N (10 tuổi), L.T.T.Q. (9 tuổi) và P.T.C.T . (9 tuổi) cả 3 bé đều ngụ tại Tiền Giang.
 
Độc chất bufotoxine có nhiều trong da, trứng và gan cóc
Độc chất bufotoxine có nhiều trong da, trứng và gan cóc

Theo khai thác bệnh sử ghi nhận, vào chiều ngày 15/8 trong lúc đang chơi đùa các bé phát hiện con cóc to nhảy từ trong bụi ra. Nhớ lại món thịt cóc được cha mẹ làm cho ăn rất ngon trước đó, bé T.N. rủ hai bé còn lại bắt cóc để làm thịt. Sau khi lột da, moi ruột… bé N. bỏ cóc vào chảo dầu chiên chín rồi chia cho hai bé còn lại cùng ăn.

Khoảng 1 tiếng sau khi ăn, cả ba bé đầu có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở… Ngay sau đó, các bé được phụ huynh đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Với chẩn đoán ngộ độc thịt cóc, bác sĩ đã tiến hành sử dụng thuốc trợ tim và truyền dịch cho các bệnh nhi sau đó chuyển thẳng lân bệnh viện Nhi Đồng 1.

Sau một ngày điều trị, hiện sức khỏe của hai bé T.Q. và C.T. đã tương đối ổn định. Riêng cháu T.N. tình trạng ngộ độc nặng hơn nên phải tiếp tục sử dụng thuốc trợ tim và theo dõi tích cực. Bác sĩ cho biết, các bé đều ăn phải chất bufotoxine có nhiều trong da, trứng và gan cóc. Do được chuyển đến bệnh viện kịp thời nên các bé đã may mắn không rơi vào tình trạng suy gan và suy thận cấp.

Cuối tháng 7, tại Đồng Xoài Bình Phước hai bố con anh N.T.N. cũng suýt bị độc tố trong thịt cóc cướp đi sinh mạng do ăn món cóc chiên để nguyên gan và trứng. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do thịt cóc gây nên, bác sĩ khuyến cáo mọi người tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.

Nếu muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nhựa cóc dính vào thịt cóc, tránh làm vỡ trứng cóc, dính và sót trứng cóc trong thịt. Không sử dụng các sản phẩm “bột thịt cóc” không rõ nguồn gốc, không được kiểm định để chữa suy dinh dưỡng cho trẻ vì nguy cơ bị ngộ độc rất cao.

Vân Sơn