Bảo quản thực phẩm mùa hè

(Dân trí) - Thời tiết mùa hè là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và gây ra rất nhiều bệnh tật cũng như ngộ độc thức ăn mà con người không thể lường hết.

Chuyên gia về dinh dưỡng Katie Eliot trường ĐH Saint Louis cho biết: Với thời tiết nóng nực của mùa hè lại cộng thêm với thức ăn được nấu ở ngoài rất dễ dẫn đến ôi thiu và chứa nhiều bệnh tật. Nếu bạn ăn phải thức ăn đã bị hỏng thì việc khó chịu về tiêu hoá một hai ngày còn đơn giản, đôi khi thực phẩm bị hỏng còn đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể chết do ngộ độc nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Một số cách giúp bạn có thể bảo quản thức ăn tránh cho vi khuẩn phát triển như:

 

- Giữ thức ăn trong tủ lạnh

 

-  Nấu chín và rửa tay sạch sẽ

 

- Dùng đĩa bát và dụng cụ nấu ăn riêng biệt giữa đồ sống và thức ăn đã nấu chín. Nhất là dao thớt đã thái đồ sống tuyệt đối không dùng thái đồ chín cho dù đã được bạn rửa sạch. Tốt hơn là bạn nên có hai loại thớt: một để chuyên dùng thái đồ tươi sống và một để thái thức ăn đã chín.

 

- Mặc dù thức ăn được bảo quản tủ lạnh cũng không nên để thức ăn lâu quá 2 giờ và nếu thức ăn để bên ngoài thì không nên để quá 1 giờ. Vì đôi khi thức ăn để trong tủ lạnh nhưng nhiệt độ trong tủ không đủ lạnh để bảo quản thức ăn lâu do đựng nhiều đồ.

 

- Nếu bạn đi cắm trại thì nên mang theo thùng ướp lạnh để bảo quản thức ăn. Nên để khoảng 75% là thức ăn và 25 % là đá để bảo quản. Để đá xung quanh thức ăn và không để đá ở dưới đáy thùng.

 

- Khi đi mua thịt về bạn nên để lạnh trước khi chế biến. Vì thường sau khi mua thịt, bạn sẽ mất một khoảng thời gian đem thịt từ chợ về nhà rồi thời gian chờ trước khi chế biến, cộng thêm với việc để trong túi nilông và thời tiết nóng nực này sẽ làm thịt mất tươi ngon.

 

- Đa phần thực phẩm như thịt, trứng và nước sốt là dễ bị vi khuẩn phát triển và tạo ra nhiều chất độc trong thức ăn nên bạn cần phải bảo quản chúng thật tốt.

 

- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước nóng ấm khi chế biến thực phẩm để phòng nhiễm khuẩn. Nếu bạn chỉ rửa qua loa dưới vòi nước chảy trong vài giây thì không đủ đề rửa trôi hết vi khuẩn đâu.

 

Theo Eliot thì thường chất độc do vi khuẩn gây ra trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng từ 12 - 36 giờ và triệu chứng bao gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Khi bạn thấy hoa mắt, chóng mặt và tiêu chảy ra máu thì đó có thể là hậu quả của việc ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm vi khuẩn đường ruột E.coli.

Nếu bị ngộ độc nhẹ, bạn sẽ thấy khó chịu về tiêu hoá và cơ thể không khoẻ nhưng cũng có những vi khuẩn khiến bạn bị ngộ độc cấp tính. Đặc biệt đối với trẻ em và người già rất hay bị viêm nhiễm, nhất là khi họ đang bị tổn thương hoặc mắc bệnh nào đó thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao. Sức đề kháng yếu có thể khiến bệnh nặng thêm vì vậy bảo đảm thực phẩm an toàn là điều rất quan trọng nhất là trong mùa hè.

 

Minh Anh

Theo Reuters