Bản lĩnh thép của những người chăm sóc bệnh nhân tâm thần

(Dân trí) - Với các nữ nhân viên cấp dưỡng, cán bộ trực tiếp chăm sóc người tâm thần thì bệnh nhân đã là người thân, Trung tâm điều dưỡng người tâm thần TP Đà Nẵng là ngôi nhà thứ hai của họ.

“Nghề” không phải ai cũng làm được

Cảnh bệnh nhân la hét, đánh đập, chửi bới,…đối với các nữ nhân viên cấp dưỡng, cán bộ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tâm thần là chuyện thường ngày.

Mỗi bệnh nhân một tính cách khác nhau, có người trầm tính, ít nói, ngược lại có người hung hăng, ngang bướng bắt buộc người chăm sóc phải quan sát thật kỹ, đọc hiểu tính nết từng người.

Việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần đã khó, huống chi là trực tiếp chăm sóc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ kể cả sinh hoạt hằng ngày lại muôn phần khó khăn. Luôn coi bệnh nhân như người trong gia đình, chịu khó, nhẫn nại và đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu là những đức tính cần có nhất của một nữ cán bộ tại Trung tâm.

Chị Hồ Thị Hợi, cán bộ Trung tâm, chia sẻ: “Ngày đầu mới đến Trung tâm tôi rất lo sợ, mỗi ngày trôi qua là một ngày tôi sống trong sợ hãi, không biết hôm nay mình có an toàn về đến phòng nghỉ hay không. Thế rồi, những tháng ngày cùng ăn, cùng vui chơi, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tôi càng hiểu rõ và thương họ hơn. Giờ đây, chúng tôi đã là người thân của nhau rồi, đi xa thì nhớ lắm”.

Cán bộ trung tâm hướng dẫn người tâm thần nhổ cỏ: Đây là một trong những biện pháp vật lý trị liệu rất hữu ích giúp đỡ người tâm thần nhận thức hơn về hành vi của mình
Cán bộ trung tâm hướng dẫn người tâm thần nhổ cỏ: Đây là một trong những biện pháp vật lý trị liệu rất hữu ích giúp đỡ người tâm thần nhận thức hơn về hành vi của mình

Khó khăn nhất với các chị là chăm sóc bệnh nhân nữ, ngoài những sinh hoạt thường ngày thì vấn đề riêng của nữ giới cũng cần đặc biệt quan tâm. Dù là người tâm thần, nhưng họ cũng có những nhận thức riêng, yêu ghét theo cách của riêng họ. Trách nhiệm đặt lên vai cán bộ nữ càng nặng nề thêm, họ còn phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm, những chuyển biến tâm lý của người bệnh để có cách ứng xử hợp lý.

Với những nữ cán bộ ở đây, ai cũng có người quý mến. Cách thể hiện của họ cũng rất đặc biệt. Có người thơ thẩn, hái hoa dại tặng người họ mến. Có người để ý hỏi thăm nếu không thấy bóng dáng nữ cán bộ đó.

Một lần, chị Hợi nhận được đồ ăn, nước uống của bệnh nhân tặng mình, hỏi ra thì mới biết là của người nhà lên thăm, rồi họ để dành cho cán bộ. Vừa vui, vừa xúc động với tình cảm của bệnh nhân dành cho mình, chị Hợi nói mãi họ mới cất đi.

Được mến là một chuyện, nhưng bị đánh cũng không ít. Hơn 15 năm chăm sóc người bệnh, không ít lần chị Hợi hứng chịu những cảnh xô ngã, cào xé khi bệnh nhân lên cơn. Khi đó, các chị phải thật bình tĩnh xử lý, nếu bức quá thì “tẩu thoát” là thượng sách, còn bị đánh trúng thì cũng phải chịu.

Bởi theo các chị, họ cũng đâu có cố ý đánh mình chỉ qua họ đang bị bệnh thôi, lên cơn thì mới vậy. Mình phải hiểu và thông cảm, chứ thường ngày họ cũng tình cảm lắm.

Sở dĩ người ta gọi công việc của các chị là “nghề” không phải ai cũng làm được là vậy. Bởi chẳng ai đủ can đảm, sự tận tâm, kiên nhẫn chịu đựng như các chị, chẳng ai bỏ tất cả công sức, nhiệt tâm để chăm sóc những người xa lạ như các chị, mà những người ấy còn không rõ về nhận thức, hành vi của mình.

Ngôi nhà thứ hai

Những lần về phép, ở nhà mà cứ lo không biết hôm nay bệnh nhân có ăn được không, ngủ đủ giấc hay quậy phá gì không,…hết phép là vội vàng lên ngay, với các chị nơi đây đã là ngôi nhà thứ hai của mình.

Các chị vừa vắng mặt vài hôm bệnh nhân đã hỏi thăm, có người còn tuyệt thực không chịu ăn uống gì.

Chị Nguyễn Thị Thêm cười cho biết: “Có hôm tôi nghỉ phép hai ngày mới lên thế mà có bệnh nhân để ý ngay, vừa thấy tôi đã hỏi “Sao nghỉ hai ngày luôn vậy”, hỏi sao biết họ chỉ cười”.

Tận tâm, dịu dàng, chu đáo, hết mình vì công việc, vì bệnh nhân, một điều không phải ai cũng làm được - đó là nhận xét của Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Cần dành cho các nữ cán bộ, cấp dưỡng của mình. Hơn nữa, khi làm việc ở đây các chị phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh “thép”, sẵn sàn đương đầu khó khăn.

333 bệnh nhân là 333 mảnh đời bất hạnh với những tính cách, loại bệnh tật khác nhau. Mỗi bệnh nhân có một sở thích, khi khóc, khi cười, khi nổi giận, khi bướng bỉnh khó chiều, hành hung cán bộ. Nhiều khi người bệnh đau ốm các chị phải luân phiên túc trực 24/24.

Bệnh nặng chuyển đến Bệnh viện đa khoa, các chị lại thay nhau thăm nom, chăm sóc, dỗ dành bất kể lễ, tết. Chị Hợi cười buồn: “Nhiều người đến đây chẳng thấy có người thân thăm hỏi lần nào, đưa vào đây thì coi như hết trách nhiệm. Thôi thì, người ta không thương thì mình thương vậy. Họ đã coi mình như người thân rồi. Dù không máu mủ gì nhưng từ lâu đã như người một nhà”.

Thứ hai hằng tuần, Trung tâm lại tập hợp tất cả bệnh nhân để nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Ví dụ thức ăn có ngon không, có cần thay đổi gì không, cán bộ đối xử thế nào, có tốt hay không, bạn cùng phòng ra sao....Nhiều cánh tay giơ lên phát biểu, dù không tròn nghĩa. Tất cả đều được các chị ghi chép cẩn thận để rút kinh nghiệm, chăm sóc tốt hơn cho “người thân” của mình.

Tiếng đàn véo von, kết hợp giọng ca trầm bổng dù không tỉnh táo của những bệnh nhân tâm thần tại đây, đủ khiến người ta bồi hồi xúc động. Bỏ lại cuộc sống ồn ào, bon chen bên ngoài, cùng sống, hòa mình trong tình yêu thương vô hạn của các nữ cán bộ, cấp dưỡng đã sưởi ấm những “trái tim tật nguyền”, mảnh đời bất hạnh của những bệnh nhân tâm thần tại đây.

Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Đà Nẵng chính là quê hương thứ hai của họ, dù người thân lãng quên, không thừa nhận. Nhưng, rất nhiều “người thân” khác tại Trung tâm luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón, yêu thương họ như chính người thân ruột thịt của mình, “dù không máu mủ ruột rà, từ lâu đã là người nhà của nhau”.

N.Linh