Bài 3: Thứ trưởng liệu có phạm tội vu khống?

Trong suốt những năm làm Cục trưởng Cục Quản lí dược rồi Thứ trưởng y tế phụ trách dược và ngay cả khi phụ trách chống tham nhũng của cả ngành y tế, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã có những đơn thư tố cáo tiêu cực không có bằng chứng.

Vay tiền rồi “vu khống” doanh nghiệp

 

Trả lời  báo chí, ông Quang nói: “Việc tố cáo tôi vừa vay tiền lại vừa chỉ đạo thanh tra họ là vô lý. Mâu thuẫn ở chỗ nếu tôi vay tiền của BV Pharma, tức là hàm ơn họ, sau lại yêu cầu thanh tra làm khó dễ họ là vô lý.” Thế nhưng, trên thực tế ông Quang đã “ném đá giấu tay” với chính doanh nghiệp đã cho ông vay một khoản tiền lớn.

 

Trong đơn tố cáo, ông Nguyễn Quốc Dũng, Tổng giám đốc BV Pharma, lại nói: “Ngày 18/8/2001, thanh tra Sở Y tế TPHCM gồm 5 người do bà Trần Thị Thanh Loan, Phó Chánh thanh tra Sở, làm trưởng đoàn đến đòi kiểm tra doanh nghiệp của chúng tôi nhưng không xuất trình được quyết định kiểm tra và không có giấy giới thiệu. Tôn trọng cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi vẫn để Đoàn tiến hành kiểm tra. Đoàn thanh tra ghi nhận trong biên bản công ty chúng tôi không có gì vi phạm các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, nhận thấy đây là một việc làm không bình thường có chuyện không trong sáng nên chúng tôi gọi điện cho bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM để hỏi tại sạo đoàn thanh tra của Sở đến làm việc  mà không có Giấy giới thiệu hoặc Quyết định thanh tra thì được bà Lan trả lời rằng: “Đây là chỉ đạo của cấp trên” và người chỉ đạo đó chính là ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế”.

 

Sau khi 2 đoàn thanh tra vào thanh tra không phát hiện sai phạm, có vẻ như vị Thứ trưởng này không thấy thỏa mãn nên tung tin rằng: BV Pharma đã bán tiền chất PSE ra ngoài thị trường. Một cán bộ của Cục Quản lý dược đã xác nhận việc này bằng văn bản: “Thứ trưởng Cao Minh Quang đã đến phòng làm việc của tôi nói công an đã bắt được BV Pharma bán nguyên liệu tiền chất PSE ra ngoài thị trường”. Ngay sau khi thông tin này được báo cáo lên lãnh đạo Cục Quản lý dược, 1 đoàn thanh tra nữa được thành lập. Đặc biệt trong lần thanh tra này có sự tham gia của Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an. Cuối cùng đoàn kiểm tra đã đưa ra kết luận: “Không phát hiện công ty BV Pharma có bán nguyên liệu tiền chất PSE ra ngoài thị trường như phản ánh của một số thông tin”.

 

Mặc dù, 3 đoàn kiểm tra đã khẳng định, BV Pharma không có “mờ ám” trong việc sản xuất, kinh doanh thuốc có tiền chất PSE nhưng BV Pharma đã phải chịu hậu quả. Ngay sau khi Thứ trưởng Cao Minh Quang phát ngôn với báo chí, một số đại lý hiểu lầm BV Pharma sản xuất ma túy, lo sợ mua thuốc BV Pharma sẽ liên lụy đến ma túy nên từ chối giao dịch làm Công ty lâm vào tình cảnh khó khăn do mất khách hàng và nhiều công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc.

 

Sau những phát biểu và chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Minh Quang liên quan đến các thuốc có chứa PSE, điều đáng nói là thị trường thuốc đã có nhiều biến động. Hàng loạt mặt hàng thuốc điều trị cảm cúm được coi là nhóm thuốc thiết yếu đồng loạt tăng giá, có loại tăng từ 8 - 12 lần, đẩy giá lên tới 4.000đ/viên. Trong khi đó, thuốc cảm cúm có hoạt chất PSE của BV Pharma có giá rẻ chỉ 230 đồng/viên không ai mua.

 

Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm trước tình trạng thiếu thuốc “giả tạo”, giá thuốc tăng cao, tăng thêm gánh nặng cho người bệnh đồng thời gây khó khăn, thua lỗ cho BV Pharma và các công ty dược khác, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh dược phẩm cũng như nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác trong năm 2011 đã gặp nhiều khó khăn chồng chất?

 

Thứ trưởng Cao Minh Quang: “Rất không bình thường”

 

Bài 3: Thứ trưởng liệu có phạm tội vu khống?  - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang

 
Theo tài liệu của chúng tôi, đã có một lãnh đạo trong ngành y tế gửi một bức thư đầy tâm huyết tới lãnh đạo cấp cao của Chính phủ để phản ánh một số vấn đề liên quan đến Thứ trưởng Cao Minh Quang.

 

Trong thư có nói, đồng chí Cao Minh Quang đưa ra rất nhiều đơn thư, báo cáo, trong đó có những thư nhận định sự việc rất nghiêm trọng, tiêu cực xảy ra tại Bộ Y tế nhưng không hề có một bằng chứng nào.

 

Tại hội nghị Phòng chống tham nhũng do Ban Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Bộ Y tế tổ chức năm 2009, đồng chí Quang đã đăng ký phát biểu và nói rằng “tại Cục Quản lý dược, có một đồng chí lãnh đạo cấp phòng tham nhũng 70 triệu nhưng không ai xử lý, chỉ đến khi đồng chí Quang về công tác tại Cục Quản Lý dược thì mọi việc mới được xử lý”. Tuy nhiên, khi Bộ trưởng mời Thứ trưởng Cao Minh Quang,  Chánh Thanh tra y tế và Chánh Văn phòng đến làm việc để làm rõ nội dung này, nhằm tìm ra người vi phạm thì đồng chí Cao Minh Quang đã không đưa ra được bằng chứng nào.

 

Thứ trưởng Cao Minh Quang còn tự mình viết thư vu khống Công ty MSD ghép dấu Quốc huy của Bộ Y tế vào bức thư đó để gửi cho các công ty nước ngoài gây mất uy tín của Bộ Y tế nhưng khi Bộ Y tế họp xem xét thì đồng chí lại xin rút đơn tố cáo(!)…Và theo nhận định của tác giả bức thư này, có hiện tượng “rất không bình thường” ở Thứ trưởng Cao Minh Quang…

 

Có lẽ đến lúc này câu chuyện về những việc làm của ông Thứ trưởng Cao Minh Quang đã quá rõ ràng. Chẳng lẽ, trong ngành y tế và ngành dược lại tồn tại một vị lãnh đạo có “biệt tài” gây rối và vu khống như vậy!?

 

Sau khi báo chí đề cập đến “phi vụ” Thứ trưởng vay tiền của doanh nghiệp, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã vội vã đăng đàn thanh minh. Thế nhưng khi các bằng chứng chuyển tiền về việc vay – trả 2 tỉ đồng của Thứ trưởng được phơi bày đã không thấy Thứ trưởng phản hồi, mặc dù một số cơ quan truyền thông có liên lạc.

 

 

 

Phải chăng, một chiêu bài mới nữa sẽ được tung ra? Biết đâu sẽ có thể có một tờ giấy xác nhận vay – trả 2 tỉ đồng nữa giữa nhân vật Nguyễn Ngân Quyên với Thứ trưởng Cao Minh Quang và thời hạn trả nợ là 5 năm, 10 năm…được đưa ra để “né” khi bị “lộ”?

 

Theo Đức Anh - Huy Vũ

Lao động