Bài 2: Tranh cãi chuyên môn để xác lập hành vi

“Trong qui định, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường không trực tiếp xử phạt nhưng có quyền điều tra những dấu hiệu về vi phạm môi trường. Luật cũng cho phép áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện những hành vi vi phạm về ATTP, về môi trường. Bài 1: An ninh cho mâm cơm mọi nhà

Nếu hành vi vi phạm chưa tới mức phải xử lý hình sự thì dựa theo Luật nhà nước, các qui định liên quan, hành vi tương ứng thẩm quyền cấp nào thì xác lập hồ sơ, củng cố chứng cứ đề xuất cấp đó xử lý. Đó là cách phối hợp hiện tại để “bắt giò” hành vi vi phạm về môi trường”. Trung tá Lâm Hiếu Nghĩa –Đội trưởng đội tham mưu Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - PC49 Công an TP Hồ Chí Minh phân tích.

Theo Trung tá Nghĩa hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc xác lập hành vi vi phạm về môi trường. Vụ rau muống thả nhớt gần đây tại Củ Chi là một ví dụ. Ngay sau khi PC49 đưa vụ việc ra ánh sáng đã xuất hiện ngay một luồng thông tin cho rằng, kiểm nghiệm trên một số mẫu rau hái ở ruộng có thả nhớt cho thấy lượng chì, kim loại nặng đo được trong rau không vượt quá ngưỡng cho phép…

 
Hành vi tưới nhớt thải trên rau muống là vi phạm đổ chất thải nguy hại bừa bãi, làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Hành vi tưới nhớt thải trên rau muống là vi phạm đổ chất thải nguy hại bừa bãi, làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Nguồn tin như muốn trấn an người tiêu dùng, rằng, người dân ăn rau có nhớt thải cũng… không sao! Điều đáng buồn nữa là, những công bố trên, hình thành lên một luồng dư luận, rằng, việc bắt giữ, xử lý hành vi trồng rau muống đổ nhớt thải là quá khắt khe. Song người ta quên một điều rằng, dầu chứa trong nhớt thải có dư kim loại nặng sẽ loang ra rất nhanh, bám vào đất và thấm sâu, không tiêu huỷ được sau nhiều năm.

Hành vi đổ chất thải này xuống ruộng rau đã làm ô nhiễm không chỉ nguồn nước mà cả nguồn đất, tác hại này còn kéo dài đến nhiều thế hệ con người sống trên khu vực, đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường. Không thể viện lý do vì quá nghèo mà lấy nhớt thải thay cho các chất bảo vệ thực vật cho phép khác để diệt trừ sâu, rầy cho rau. Dùng nhớt thải chỉ có vài ngàn đồng/lít tưới được cho cả một thửa rau hàng trăm mét vuông nên nhiều bà con nông dân tham, vì lợi nhuận mà không nghĩ tới người tiêu dùng.

Thế giới đã xếp loại nhớt thải gây nguy hại cho con người ở mức “ 2 sao”, tức ở mức  gây hại bất cứ lúc nào. Khi rau muống được đổ nhớt sẽ hút nước và hút luôn cả chất nguy hại trong đất vào rễ cây. Do đó, có thể lấy mẫu thời điểm này chưa thấy vượt ngưỡng, nhưng tới một lúc nào đó, mẫu rau đưa ra kiểm nghiệm sẽ thấy có tác hại. Củ Chi, Hóc Môn là vùng đất cao, khi mưa xuống nhớt thải theo luồng nước chảy sẽ đổ ra sông Sài Gòn, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, lại được hút lên để xử lý, dùng trong hệ thống nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

“Trồng rau muống đổ nhớt thải cần phải hiểu cho chính xác về mức độ, tính chất vi phạm như vậy. Không xác định, không xác lập được đúng hành vi vi phạm thì việc vi phạm sẽ tiếp tục”, Trung tá Nghĩa nhấn mạnh.

Hiện một vấn đề cũng đang tranh cãi đó là về chất ủ trái cây chín. Bà con nông dân đang dùng phổ biến là chất Ethephon, là chất cấm. Đột ngột có một ý kiến từ một chuyên gia, cho rằng, sử dụng ủ chín trái cây bằng Ethephon, đã từng có một Hội đồng khoa học đánh giá, thống nhất đưa vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng, có dinh dưỡng, chứ hoàn toàn không phải là thuốc bảo vệ thực vật.

Vấn đề là: sử dụng chất đó nguồn gốc ra sao! Hiện nhiều bà con ở miền Tây sử dụng loại thuốc ủ chín trái cây theo cách làm là thu hoạch cả trái non và trái già cùng được đưa vào bao nilon, bơm thuốc ủ chín trái cây vào trong bọc và bọc lại. Hôm sau cả túi trái cây này sẽ chín vàng. Trái cây già không sao, trái non chín ép như vậy chắc chắn sẽ có chất lượng không tốt. Và đây cũng mới bàn tới thuốc sử dụng có nguồn gốc, còn nhiều bà con sử dụng thuốc trôi nổi trên thị trường, mua thuốc ủ chín trái cây xuất xứ Trung Quốc. Vậy ai đi kiểm chứng việc này?

Theo Trung tá Nghĩa, trong danh mục về chất phụ gia thực phẩm thì có tới hàng ngàn chất chẳng khác nào “mê hồn trận”. Điều khó là trong danh mục đó, không có chất nào được gọi là “chất cấm” mà chỉ được gọi là chất được phép và không được phép. Lực lượng giám sát, quản lý cũng không thể nắm được hết. Nhưng sử dụng phụ gia hoá chất trong chế biến thực phẩm, nhất là thực phẩm thiết yếu hàng ngày cho NTD thì phải rõ ràng. Vụ việc thịt trâu giả bò khi đưa ra xác lập hành vi vi phạm, chủ cơ sở có trưng ra một ý kiến của phía Y tế cho rằng, Sodium benzoat được phép sử dụng trong chế biến bún và cho rằng mình vô tội.

Tuy nhiên, được phép dùng trong bún không có nghĩa được phép dùng trong thịt bò, thịt trâu. Tương tự, vụ việc chân, cánh gà nhập khẩu cách đây vài năm và được bán tràn ngập ở các quán nhậu đã bị đánh đồng với món khoái khẩu chân gà nướng, sau khi PC49 Công an thành phố cùng thú y TP Hồ Chí Minh bị phát hiện những lô hàng chân gà nhập này có nhiễm khuẩn, cơ sở nhập khẩu tìm cách đưa vào diện “chiếu xạ” và thoát tội. Chân gà nhiễm khuẩn lại ung dung ra thị trường, hậu quả tác hại ra sao chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ.

(Còn nữa)

Theo Huyền Nga

Công an nhân dân