Bác sĩ nhiễm cúm A/H1N1: Chỉ là rủi ro nghề nghiệp?

(Dân trí) - Đó là khẳng định của PGS.TS. BS. Nguyễn Đức Công, Giám đốc bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) khi trao đổi với phóng viên về 14 bác sĩ, điều dưỡng viên có xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1.

Thưa bác sĩ, hiện đã có bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện Thống Nhất  nhiễm cúm A/H1N1. Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đặc biệt này ra sao?

 

Hiện bệnh viện đang điều trị cách ly 5 bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Ngoài ra, 9 bác sĩ, điều dưỡng khác nghi nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị cách ly tại nhà theo đúng phác đồ chữa bệnh của Bộ Y tế.

 

Sức khỏe của các bệnh nhân và cũng là cán bộ nhân viên của bệnh viện đều có dấu hiệu hồi phục tốt, không còn sốt mà chỉ ho nhẹ….

 

Như bác sĩ nói, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Vậy con số 14 bệnh nhân là bác sĩ, điều dưỡng có chính xác?

 

Trong thời gian vừa qua, có một số bệnh nhân vào bệnh viện Thống Nhất khám chữa bệnh và trong số đó có người nhiễm cúm A/H1N1. Có khoảng 90 bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Do vậy, Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 do Giám đốc bệnh viện làm trưởng ban đã khuyến khích nhân viên của mình xét nghiệm virus cúm. Đó chính là lý do vì sao có thể phát hiện kịp thời 14 cán bộ bệnh viện “dính” loại virus này dù có biểu hiện hay không.

 

Cũng cần phải nói thêm là trong số các bác sĩ, điều dưỡng bị cúm, có người nhiễm virus H1N1 do tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng cũng có người nhiễm bệnh do tiếp xúc ngoài cộng đồng.

 

Bác sĩ là những người tuân thủ quy tắc phòng chống dịch hơn những người bình thường nhưng vẫn nhiễm bệnh. Vậy phải chăng có sự chủ quan và có sai sót trong khâu phòng bệnh?

 

Đúng là ý thức phòng chống dịch của một số cán bộ y tế còn chủ quan. Trong khi cúm A/H1N1 lây lan nhanh nhưng biểu hiện lâm sàng chung chung, khó nhận biết người nào mắc bệnh.

 

Tuy nhiên, việc cán bộ bác sĩ, y tế bị nhiễm cúm là rủi ro có thể chấp nhận đối với những người làm ngành y.

 

Ngoài ra, dù đeo khẩu trang nhưng chưa thể chống cúm A/H1N1 hoàn toàn.

 

Bác sĩ nói, khẩu trang không thể phòng cúm A/H1N1?

 

Hiện chúng ta đang phòng bệnh chủ yếu bằng đeo khẩu trang, rửa tay sạch, cách xa người nhiễm bệnh. Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa nhiễm bệnh nhưng không thể chặn được hoàn toàn. Vi trùng có thể chui qua những khe hở của khẩu trang, xâm nhập vào cơ thể.

 

Nguyên tắc khi vào khu cách ly là phải đeo N95 nhưng khẩu trang này quá kín mít nên gây nóng bức, khó chịu. Còn khẩu trang y tế thông thường thì không che kín được 2 bên. Cũng không ai có thể đeo khẩu trang suốt cả ngày.

 

Xin bác sĩ cho biết những khó khăn của cán bộ y tế tại bệnh viện trong đại dịch cúm hiện nay?

 

Cúm A/H1N1 len lỏi, phát tán nhanh trong cộng đồng. Nhưng không thể cấm bệnh nhân tới khám bệnh. Khi khám bệnh, chúng tôi cũng không thể cấm bệnh nhân ho, hắt hơi…
 
Chúng tôi chú trọng việc rửa tay nhưng không phải lúc nào cũng rửa tay liên tục được. Một bác sĩ trung bình khám 100 bệnh nhân/ngày. Không lẽ cứ khám xong 1 bệnh nhân lại rửa tay 1 lần. Nếu làm thế thì chỉ khám được 30 bệnh nhân/ngày.

 

Mặc dù đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống cúm nhưng những bệnh viện có khu truyền nhiễm độc lập, tách riêng chưa phổ biến. Ngay cả bệnh viện Thống Nhất cũng nằm trong một khối nhà chứ chưa tách ra thành khu riêng - Điều này gây ảnh hưởng lớn tới việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh dịch.

 

Một điểm khó khăn nữa là thời gian có kết quả xét nghiệm cúm cũng chậm. Nếu làm test ngay, không phải “xếp hàng” thì cũng phải 1 ngày mới có kết quả. Vậy nên trong thời gian chờ đợi, người bệnh cứ vô tư đi lại, tiếp xúc với người khác, khiến số bệnh nhân nhiều thêm, chúng tôi quá tải.

 

Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trong việc phòng chống cúm?

 

Cúm A/H1N1 là loại cúm lây lan mạnh nhưng không gây biến chứng nặng nề, triệu chứng lâm sàng không rầm rộ như dịch hạch, dịch tả, SARC, H5N1 hay bệnh than mà thoáng qua như cúm mùa.

 

Tuy nhiên, không ai có thể miễn nhiễm với cúm, những người có triệu chứng suy tim, phổi, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm sẽ có triệu chứng nặng hơn.

 

Vì vậy, cần hạn chế tập trung nơi đông người, hạn chế đến khu vực nghi ngờ có người nhiễm cúm. Quan trọng là phải luôn giữ sạch bàn tay, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch rửa tay nhanh…
 

Mức tử vong do H1N1 có thể tăng tới 0,5%

 

Đây là một trong những nội dung dự báo mà BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, TPHCM đưa ra trong buổi họp báo về công tác phòng chống cúm trên địa bàn TPHCM.

 

Sau hơn 1 tháng dịch xuất hiện tại Việt Nam, đến tháng 7/2009, tại TPHCM, số ca mắc cúm ở cộng đồng đã chiếm gần 50%. Khoảng 1 tuần trở lại đây, có nhiều ca cúm A/H1N1 không tìm được nguồn lây, ẩn chứa nguy cơ bùng phát dịch.

 

Theo BS Châu, số người nhiễm virus H1N1 sẽ tăng cao ở những nơi có đông người tụ tập như trường học, doanh trại, nhà trọ, các trung tâm thương mại, tụ điểm giải trí.... Khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh sẽ khiến các bệnh viện quá tải, từ đó dễ dẫn tới lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Kéo theo đó, những người mang sẵn các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì cùng với trẻ em, thai phụ… sẽ dễ mắc bệnh hơn. Hậu quả là khiến mức tử vong có thể tăng lên 0,5%.

 

Nhưng điều lo ngại nhất vẫn là việc hợp chủng của 2 loại virus cúm H5 và H1, sẽ khiến khó dự đoán được số trường hợp tử vong.

 

Trước thực tế nhiều người dân lo ngại đã nhiễm bệnh nên “đòi” được xét nghiệm, lùng mua thuốc dự phòng và tích trữ khẩu trang, BS Châu khẳng định lượng thuốc Tamiflu còn nhiều (mới được Bộ Y tế hỗ trợ hêm 30.000 viên Tamiflu).

 

Về khẩu trang, loại nào cũng có tác dụng với điều kiện sử dụng đúng chỗ, đúng cách. BS Châu khẳng định: “Bộ Y tế không khuyến cáo toàn dân phải mang khẩu trang”.

 

Đối với việc xét nghiệm, ông Châu cũng cho biết sinh phẩm dùng trong xét nghiệm cúm A/H1N1 ở TPHCM vẫn còn đủ và sẽ được cấp thêm. Vì thế không nên lo rằng vì thiếu, vì không có phương tiện nên không cho xét nghiệm. Người dân nên yên tâm với quyết định của cán bộ y tế.

 

Ngọc Thanh

 

Công Quang