Bác sĩ luôn phải đấu tranh để sinh tồn

(Dân trí) - Bác sĩ Hoàng Anh Dũng, Việt kiều Bỉ, được “Vinh danh nước Việt” năm 2006 bởi những đóng góp cho chương trình ghép thận, trao đổi kỹ thuật, tham gia các hội nghị khoa học tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc…

Tôi khuyên con gái mình không nên học ngành Y!

 

Đây là lần thứ bao nhiêu anh quay trở lại Việt Nam thưa bác sĩ?

 

Tôi không nhớ mình đã quay trở lại bao nhiêu lần bởi từ sau khi tốt khóa đào tạo tại Bỉ (năm 1999), tôi nhận lời mời làm việc tại bệnh viện của trường đại học ULB và từ đó mỗi năm tôi trở về Việt Nam từ 1 - 4 lần để làm điều phối ghép tạng hay thực hiện những ca ghép thận tại các bệnh viện. Lần này được xướng danh ở Văn Miếu là một điều rất bất ngờ và vinh hạnh tôi không biết là mình đã xứng đáng hay chưa với những gì đã nhận được.

 

Để trở thành một bác sĩ giỏi ắt hẳn người ta không thể đi trên một con đường trải hoa hồng?

 

Đúng vậy, thời gian đầu khi ra nước ngoài học tập, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do bằng cấp ở Việt Nam  không được công nhận nên tôi không tìm được những công việc nhẹ nhàng mà phải làm đủ mọi công việc trên đời để sống, tôi chấp nhận mọi công việc từ lau chùi nhà cửa, rửa chén, thi công trong bệnh viện... để có tiền sinh hoạt.

 

Ngày ấy, dù đã tốt nghiệp đại học trong nước (1972) nhưng tôi nhận ra rằng nền tảng về kiến thức mà sinh viên y khoa chúng tôi có được vẫn còn ở mức rất thấp. Rất may, trước đó, tôi đã có thời gian học hỏi từ các giáo sư Mỹ, Pháp cộng với sự hỗ trợ của gia đình nên có điều kiện để đọc thêm nhiều loại sách báo, dần theo kịp chương trình.

 

Và cho đến bây giờ, kinh nghiệm và lời nhắn nhủ của anh tới những bạn sinh viên nói chung và sinh viên Y khoa nói riêng là…?

 

Với tất cả những sinh viên đang học tập và nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực tôi chỉ có một lời khuyên rất chân thành, đó là các bạn hãy đọc và nghiên cứu thật nhiều tài liệu liên quan đến ngành nghề của mình, nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc sau này. 

 

Sự thành công của tôi cũng có cả sự sự may mắn. Tuy nhiên, chỉ may mắn không chưa đủ, điều quan trọng nhất là bạn phải nỗ lực chuẩn bị để khi may mắn đến, bạn đã có đầy đủ điều kiện để biến nó thành sự thành công của mình.

 

Riêng đối với sinh viên ngành Y, các bạn nên xác định, đây một ngành rất vất vả. Ở, Châu Âu trong đó có Bỉ (nơi tôi làm việc). Sự cạnh tranh trong các bệnh viện là cuộc chiến đấu sinh tồn. Các bác sĩ phải liên tục làm việc để chứng minh khả năng và uy tín của mình. Để có được chỗ đứng tôi và các bác sĩ khác phải làm việc ngày đêm, chính vì vậy khoảng thời gian dành cho gia đình cực kỳ hiếm hoi….Tôi vẫn khuyên con gái mình không nên học Y khoa bởi nó quá vất vả (cười)!

 

Ngành ghép tạng Việt Nam vẫn còn tụt hậu

 

Những thiết bị y tế mà hàng năm anh gửi  về Việt Nam có nguồn gốc và mục đích ra sao?

 

Đó là những thiết bị tôi đi xin tại các bệnh viện hoặc từ kết quả của những buổi làm việc với các hội đoàn y tế quốc tế. Chúng được chuyển đến một số bệnh viện ở Việt Nam, nơi tôi đã từng làm việc.

 

Trước đây, tôi xin luôn tiền vận chuyển hoặc kết hợp với một số bạn bè người Việt tổ chức những đợt bán đồ lưu niệm dịp nô-en. Một  năm chúng tôi cũng thu được vài ngàn đô la và dùng số tiền này để trả cước phí cho các container thiết bị y tế chuyển về Việt Nam. Nhưng, hiện nay do công việc quá bận rộn lên tôi không tìm được nguồn kinh phí vận chuyển nữa… Hiện các bệnh viện trong nước cho biết: với một container thiết bị trị giá 40 - 50.000 euro, phía bệnh viện sẽ bỏ một phần chi phí vận chuyển…

 

Khi triển khai những hoạt động của mình ở quê nhà, anh có nhận xét gì về trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam hiện nay?

 

Tôi rất tự hào vì tay nghề trong ngành ngoại khoa của các bác sĩ tại Việt Nam đã đạt đến trình độ tương đương với nền y học thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển thêm một số chương trình Y học chuyên sâu như y học phân tử và vấn đề miễn dịch.

 

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành ghép tạng Việt Nam trong vài năm gần đây?

 

Phải nói thật là trình độ ghép tạng của Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ quốc tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này trong đó các phương tiện khám cận lâm sàng chúng ta vẫn còn thiếu. Ngoài ra, các bác sĩ Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức ghép tạng từ người thân cho chứ chưa phải là ghép tạng từ người chết. Hy vọng, sau luật hiến tạng ra đời (1/7), cộng thêm sự tuyên truyền về vấn đề hiến tạng, ngành ghép tạng Việt Nam sẽ đuổi kịp ngành ghép tạng trên thế giới, một ngành mà chúng ta đã đi chậm gần 40 năm.

 

Ông  dự kiến luật Hiến tặng mô tạng tại VN sẽ phát triển đến đâu?

 

Dù luật ra rồi, ngay cả tại Bỉ, nước có luật Hiến tạng ra đời từ năm 1967 thì cho đến bây giờ mới có 22 phần nghìn (22 người được lấy tạng/1 triệu dân) trong khi đó điều mong muốn của người dân là 45 phần nghìn.

 

Tại Việt Nam, tôi được giáo sư Phạm Gia Khánh cho biết trong một cuộc thăm dò tại một quần thể dân chúng ở Hà Nội và TPHCM thì có đến 75% người dân đồng ý cho tạng. Tuy nhiên, đó là những thăm dò ban đầu.

 

Dự định tiếp theo anh sẽ thực hiện tại Việt Nam là..?

 

Tôi đang làm việc với một trường đại học của Bỉ để thực hiện chương trình hợp tác với các trường Y tại Việt Nam nhằm đào tạo điều kiện giúp các em sinh viên sang học tập. Bên cạnh đó, vào tháng 4 này, tôi tiếp tục thực hiện các chương trình ghép tạng giúp tại Việt Nam và sẽ triển khai đơn vị thứ 11 chuyển giao kỹ thuật ghép tạng cho Kiến Giang và Quy Nhơn.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

                                                                                                Thanh Trầm (thực hiện)