Ba không khi “yêu”

Từ rất sớm, cổ nhân đã đặc biệt coi trọng vấn đề dưỡng sinh trong sinh hoạt tình dục. Một mặt coi “nam nữ tương hành giống như trời đất tương sinh”, mặt khác nhắc nhở phải coi hoạt động tình dục như một thứ “đạo” mà người mất đạo giao tiếp thì sẽ chết yểu.

 

Ba không khi “yêu”  - 1


1. Không nên cấm dục (dục bất khả tuyệt)

 

Cổ nhân cho rằng, nam là dương, nữ là âm, âm dương giao hợp chính là đạo của trời đất. Nếu cấm dục, âm dương không được tương giao thì sẽ phát sinh bệnh tật.

 

Sách Sử ký, Thượng công truyện kể lại rằng: có một nữ tỳ họ Hàn của Tề Bắc Vương bị đau lưng hay phát sốt phát rét không rõ quy luật. Thuần Vu Ý, danh y đương thời sau khi chẩn mạch cho rằng người bệnh bên trong có âm hàn, nguyệt kinh bất hạ, duyên cớ là do không được thoả mãn mong muốn sinh hoạt nam nữ. Quả nhiên, sau khi kết hôn ít lâu căn bệnh của tỳ nữ không thuốc mà khỏi.

 

Từ Linh Thai, danh y đời Thanh (Trung Quốc) cũng đã từng chẩn trị một thương nhân họ Uông chỉ vì hơn 10 năm không sinh hoạt vợ chồng mà phát sinh chứng “khí suyễn đầu hãn, triệt dạ bất an” (tương tự như bệnh suy nhược thần kinh trong y học hiện đại). Sau khi chẩn mạch, Từ Linh Thai không kê đơn thuốc mà chỉ khuyên họ Uông sớm trở về nhà và ngủ với vợ. Quả nhiên, sau khi nhập phòng một đêm mọi chứng bệnh đều khỏi cả.

 

2. Không nên quá sớm (dục bất khả tảo)

 

Cổ nhân cho rằng, nam nữ vị thành niên sinh hoạt tình dục quá sớm sẽ phá âm thương tinh, tổn hao nguyên khí, không những ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát dục mà còn gây bất lợi cho sự sinh nở sau này. Vì thế, y thư cổ thường nhấn mạnh: “Nam phá dương thái tảo tắc thương kỳ tinh khí, nữ phá âm thái tảo tắc thương kỳ huyết mạch” (nam sinh hoạt tình dục quá sớm sẽ tổn thương tinh khí, nữ sinh hoạt tình dục quá sớm sẽ tổn thương huyết mạch).

 

Không những thế, hoạt động tình dục quá sớm còn có thể tạo thành “ngũ thể hữu bất mãn chi xứ, dị nhật hữu nan trạng chi tật”, “ngũ thể bất mãn” ý muốn nói đến tình trạng công năng sinh lý và phát dục chưa được hoàn chỉnh, “nan trạng chi tật” là chỉ bệnh lý của hệ thống sinh dục cả về cơ năng và thực thể.

 

Uông Ngang, y gia trứ danh đời Thanh (Trung Quốc) còn chỉ rõ: “Giao hợp thái tảo, chước táng thiên nguyên, nãi yểu chi do” (tình dục quá sớm làm hại nguyên khí dẫn đến chết non).

 

3. Không nên phóng túng, bừa bãi (dục bất khả túng)

 

Tục ngữ có câu: “Tham dục mau già chóng chết”. Lý Bằng Phi, danh y đời Nguyên đã nói: tình dục thái quá có thể làm hao tổn chân nguyên, khô kiệt tinh tủy, làm thận hư liệt dương, mắt mờ tai điếc, cơ thể hao gầy, răng hư tóc rụng và cuối cùng sức lực tàn tạ mà dẫn đến cái chết, “mệnh đồng triều lộ” (mệnh như sương sớm). Danh y Tôn Tư Mạo cũng từng viết: “Buông thả tình dục thì tính mạng như ráng chiều sắp tắt”.

 

Theo cổ nhân, sinh hoạt tình dục phải có chừng có mực, phải tùy theo tuổi tác, tình trạng sức khoẻ và điều kiện sống mà lựa chọn tần số cho phù hợp. Quan điểm chung của các nhà dưỡng sinh thời cổ là: tuổi càng cao thì càng giảm dần hoạt động tình dục, khi già yếu thì ngừng hẳn. Y thư cổ Thiên kim yếu phương viết: “Hai mươi tuổi, bốn ngày giao hợp một lần; ba mươi tuổi, tám ngày một lần; bốn mươi tuổi, mười sáu ngày một lần; năm mươi tuổi, hai mươi ngày một lần; sáu mươi tuổi, giữ không xuất tinh, nếu thể lực tốt thì mỗi tháng giao hợp một lần”.

 

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn

Sức Khỏe & Đời Sống