Anh: Sự thật về bánh mỳ trong siêu thị

(Dân trí) - Các nhà kinh doanh thật khéo tạo sự thèm muốn và biết cách “nới lỏng” hầu bao của khách khi tạo hương quyến rũ cho các loại bánh mỳ tươi. Tuy nhiên, theo Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh, những gì bạn ngửi thấy không hẳn là những gì bạn nhận được.

  

Anh: Sự thật về bánh mỳ trong siêu thị - 1


Quảng cáo của siêu thị Tesco có đoạn: “Mọi ổ bánh mỳ tươi, vừa nướng trong cửa hàng chúng tôi đều là “xịn””, bị cho là gây hiểu lầm. Vì nó cho thấy trong phần lớn các cửa hàng, mọi bánh mỳ không phải là tươi, ít nhất là trong cụm từ “vừa nướng” mà hầu hết mọi người đều hiểu.

 

Theo đó, nó được làm từ nhiều ngày hay nhiều tuần trước khi được vận chuyển từ nơi sản xuất và gửi (thường là đông lạnh) tới các cửa hàng bánh. Và mọi thứ không dừng lại ở đây. Bánh mỳ bán hằng ngày trong siêu thị còn ẩn chứa rất nhiều bí mật khác.

 

Nếu bạn tự hỏi tại sao một số ổ bánh mỳ thường trở nên khô hơn khi để qua đêm trong khi số khác lại luôn mềm nhưng rồi bất ngờ nổi nấm mốc; hay tại sao nhiều người phàn nàn mình bị đầy hơi sau khi ăn bánh mỳ…. thì đừng mong tìm thấy câu trả lời ghi trên nhãn sản phẩm trong siêu thị.

 

Sự thật là hầu hết bánh mỳ ở Anh đều có thêm các chất phụ gia nhân tạo và điều này đã diễn ra từ vài thập kỷ nay. Và phần lớn các chất này không được ghi ở trên nhãn sản phẩm.

 

Khởi nguồn của các chất này là từ công nghiệp trồng trọt. Nhiều giống lúa mỳ cao sản với sự hỗ trợ của nitơ nhân tạo, chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu đã được trồng đại trà ở nhiều cánh đồng sau thế chiến thứ 2. Kết quả là sản lượng tăng lên nhưng protein, khoáng chất và vitamin quan trọng lại giảm 30-40% so với các chủng nguyên bản cách đó 40 năm. Để khắc phục, người ta cho thêm lưu huỳnh và nitơ vào giai đoạn tăng trưởng cuối của cây lúa mỳ để tăng protein trong hạt. Và điều này lại kéo theo 1 hệ lụy là làm tăng chất gây viêm ruột đối với những người nhạy cảm.

 

Nhưng đáng kể nhất phải là kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ làm bánh. Quá trình làm bánh mỳ Chorleywwood đã được phát minh vào những năm 60 của thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành cách làm phổ biến tại Anh cho tới ngày nay. Phương pháp này đẩy nhanh tốc độ trộn lên gấp 6 lần nhờ sử dụng năng lượng mạnh, chất phụ gia plethora và tăng lượng men ủ bánh. Để tránh đưa nhiều tên hóa chất vào nhãn sản phẩm, người ta thay tên các hóa chất đáng sợ bằng “chất nhũ hóa” và “bột đã qua xử lý”.

 

Một số chất phụ gia khác là kali bromat (bị cấm tại Anh vì gây ung thư), azodicarbonamide (cũng bị cấm), L-cysteine hydrochloride, natri stearoyl-2-2lactylate…. Và những hóa chất này cũng được ghi là “bột biến tính” và “chất nhũ hóa”. Một “phát kiến” đang được ứng dụng là sử dụng các enzyme công nghiệp mà có thể gây biến đổi gene.

 

Những chất này chắc chắn sẽ không bao giờ là thực phẩm thân thiện trong chế độ ăn uống của con người

 

Đó là lý do vì sao chiến dịch Real Bread (Bánh mỳ đúng nghĩa) đang được phát động tại Anh. Theo đó, những người tổ chức chiến dịch kêu gọi ghi đúng tên các chất phụ gia dùng chế biến bánh mỳ. Ngoài ra, chiến dịch này cũng khuyến khích tự làm bánh tại nhà.

 

Nhân Hà

Theo DM