Ánh sáng đến từ những tấm lòng “xa lạ”

(Dân trí) - Rất nhiều người, từ cậu trai trẻ 18 tuổi, đến những người già 50-60 tuổi, sau bao năm sống trong bóng tối đã vui đến khóc òa vì lại nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhờ ghép giác mạc… Và niềm vui ấy càng được nhân lên khi Ngân hàng mắt chính thức thành lập.

Thoát mù nhờ giác mạc của “người xa lạ tốt bụng”

Vừa sinh ra, cậu bé Lê Văn Doanh ở Thanh Hà, Hải Dương đã bị giác mạc hình chóp bẩm sinh khiến sức nhìn rất kém. Đến khi lên 6 tuổi, thị lực gần như mất hẳn, Doanh chỉ nhìn được ở tầm xa là 20cm. Đến trường, dù được ngồi ở bàn đầu, nhưng Doanh cũng không thể nhìn lên bảng mà chỉ có thể tập trung lắng nghe lời cô giảng bài, rồi lại mượn vở của bạn, cúi rạp đầu căng mắt nhìn chữ để chép bài.
 
Ánh sáng đến từ những tấm lòng “xa lạ” - 1
Từ thị lực chỉ nhìn được xa 20cm, sau khi được ghép giác mạc, Doanh đã nhìn xa được tới 5m. Với cậu sinh viên trẻ này, được ghép giác mạc đã mang tới một cuộc sống mới cho cậu. (Ảnh: H.Hải)

Đang ở lứa tuổi nghịch ngợm nhưng Doanh không thể chơi đùa cùng các bạn, vì mắt quá kém. Ngay cả những trò chơi tĩnh như chơi cờ vua, cờ ca-rô… cậu cũng đành bó tay vì nó đòi hỏi sự vận động mắt nhiều, không thể chơi với bạn mà mặt lúc nào cũng cắm xuống bàn cờ để quan sát.

Thị lực kém gây khó khăn là thế, nhưng Doanh vẫn rất mê học và quyết không từ bỏ. Cuối cùng năm 2008, cậu cũng đỗ vào Đại học Xây dựng. Những tưởng thực hiện được ước mơ cả đời, trở thành một kỹ sư xây dựng nhưng cậu đành bảo lưu kết quả vì không thể nhìn thấy cái gì nếu khoảng cách xa hơn 20cm.

Ghi tên đăng ký được ghép giác mạc tại bệnh viện Mắt TƯ và trong lúc chờ đợi đó, 9/2008, Doanh đã được phẫu thuật ghép giác mạc, từ một người hiến tặng giác mạc mà đến tận giờ, Danh vẫn chưa biết danh tính của người tốt bụng đó. Nhờ sự hiến tặng này, mắt trái của Doanh sức nhìn đã tốt hơn, có thể nhìn xa 3-5m. Sau khi được ghép giác mạc, Doanh đã thi đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân, và hiện là sinh viên năm thứ nhất, lớp Thống kê kinh doanh tại trường Đại học này.

Lần đầu tiên sau khi gỡ băng ở mắt, được “ngẩng mặt” mà vẫn nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình, Doanh đã khóc vì vỡ òa niềm vui. “Cảm giác khi đó em như ở một thế giới khác, mọi thứ đều rõ nét, rộng lớn chứ không còn nhỏ tí xíu như trên trang vở, trong tầm nhìn gần không thể bao quát được như trước đó”, Doanh tâm sự.

Còn với bà Nguyễn Thị Nghĩa (sinh năm 1934, Nghĩa Tân, Cần Giấy, Hà Nội), bà lúc nào cũng mang ơn những người đã khuất, những người đã hiến tặng giác mạc, để 9 người trong gia đình bà, vốn bị bệnh về loạn dưỡng giạc mạc (có tính di truyền) đã thoát khỏi bóng tối.

Riêng bà, từ năm 37 tuổi, mắt đã mờ, nhìn cái gì cũng như có một màn sương bao phủ. Mới gần đó tuổi, nhưng bà chẳng thể làm việc gì cho gia đình. Đến rửa rau lẫn cả nắm giẻ rửa bát mà cũng không phát hiện, vẫn cho vào nồi luộc; đi đường một mình thì liên tục bị ngã tím cả mặt mày. Suốt 20 năm chịu cảnh sống trong bóng tối đó, đến năm 1998, được mổ ghép giác mạc mắt phải, bà không ngờ cuộc đời mình lại có cơ hội nhìn thấy ánh sáng. Đến năm 2004, bà lại được ghép giác mạc mắt trái, giúp bà thấy ánh sáng trọn vẹn hơn.

“Đến nay, 9 người trong gia đình tôi đã được ghép 13 giác mạc, đem lại ánh sáng cho 13 cái mắt. Chúng tôi mang ơn, chịu ơn linh hồn, vong linh của những người đã khuất, đã hiến tặng giác mạc để chúng tôi tìm được ánh sáng. Vì thế, tôi đã nguyện, trước khi mất sẽ làm đơn xin hiến các cơ quan nội tạng cho khoa học. Tôi đã học được cách vượt qua rào cản quan niệm là “chết toàn thây” từ chính những con người đã cho chúng tôi giác mạc. Khi đã mất đi, mọi cái sẽ trở về cát bụi, cái gì để lại mà đem lại sự sống cho người khác chính là điều phúc lộc người đã mất để lại cho thế gian”, bà Nghĩa xúc động nói.

Sẽ thêm nhiều người được thấy ánh sáng
 
Tính đến ngày hôm nay, khi ngân hàng mắt chính thức ra đời, Bệnh viện Mắt TƯ đã ghép 136 giác mạc từ 70 người hiến và hơn 10.000 người đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

“Tuy nhiên đây là con số quá nhỏ bé so với hơn 300.000 người mù tại Việt Nam đang chờ nguồn để được ghép giác mạc. Chưa kể, trung bình mỗi năm, ước tính nước ta tăng thêm khoảng 15.000 người bị mù do bệnh lý giác mạc”, TS. Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TƯ cho biết.

Vì thế, việc ra đời của ngân hàng mắt sẽ đáp ứng nhu cầu ghép giác mạc của hàng trăm nghìn bệnh nhân. Ngân hàng có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và phân phối giác mạc và các mô của mắt đến các cơ sở cấy ghép trên toàn quốc. Mọi hoạt động mua - bán đều bị cấm nên ngân hàng sẽ không trả tiền cho người hiến và gia đình.

Tuy nhiên, để thay đổi quan niệm của mọi người, có thể hiến giác mạc khi qua đời cũng không đơn giản, do nhiều người nghĩ, lấy giác mạc là lấy đi cả con mắt, khiến hốc mắt bị lõm sâu. Thực ra, giác mạc là màng mỏng trong suốt che chắn một phần năm trước nhãn cầu. Giác mạc được tiếp nhận chỉ sau khi người hiến qua đời (trong vòng 6 - 8 tiếng là tốt nhất). Vì thế, nên khi có ai đó qua đời, nếu có nguyện vọng muốn hiến, người nhà có thể gọi điện báo cho ngân hàng để làm thủ tục (điện thoại 04.3945 4799). Nhân viên y tế sẽ tới nơi quàn thi thể và lấy giác mạc chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 15-30 phút, không làm thay đổi gì khuôn mặt người chết, nhãn cầu vẫn còn nguyên trong hốc mắt và kế hoạch tang lễ cũng không hề bị ảnh hưởng.

“Khi em chưa nhìn thấy ánh sáng do chưa được ghép giác mạc, quan điểm của em cũng cổ hủ như nhiều người. Khi nhận được, mới thấy nghĩa cử của người cho ý nghĩa đến thế nào. Vì thế, khi gặp những người bạn mới, em luôn kể về sự may mắn được nhìn thấy ánh sáng nhờ có người hiến tặng giác mạc, để mọi người cùng chung sức tuyên truyền, sẽ dần vượt qua rào cản về văn hóa, có thể đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời, để những người bị mù như em có cơ hội lại thấy ánh sáng mặt trời. Một số người thân trong gia đình em chưa “thông” tư tưởng này nhưng em quyết sẽ là một tuyên truyền viên tích cực để thay đổi họ. Em là một nhân chứng sống, là người ruột thịt đã được nhận giác mạc từ người đã mất để nhìn lại ánh sáng thì không có lý gì, mình không mang lại may mắn, sự sống cho người khác khi mình có cơ hội”, Lê Văn Doanh tâm sự.

Hồng Hải