Ăn Tết an toàn

(Dân trí) - Chỉ còn một vài tuần nữa là đến Tết nguyên đán, không khí đón xuân đã lan tỏa khắp nơi. Đặc biệt, nhu cầu về sản phẩm gia cầm sẽ tăng mạnh vì các sản phẩm gia cầm là món ăn không thể thiếu trên mâm thức ăn của mọi gia đình vào dịp xuân mới.

Theo một công ty chế biến thịt gia cầm ở TPHCM, chỉ riêng tại thành phố này mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm ngàn con gà, vịt các loại. Con số này có thể sẽ tăng lên gấp 10 lần khi nhu cầu về gia cầm tăng đột biến vào những ngày đặc biệt như ông táo về trời hoặc cúng Giao thừa.

 

Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm gia cầm tăng mạnh càng làm tăng mối lo ngại về thói quen chế biến và sử dụng sản phẩm gia cầm của người dân đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện trở lại ở việt Nam. Ngoài việc hạn chế tiếp xúc với gia cầm thì người dân cũng nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc chế biến, đun nấu thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm một cách an toàn trong dịp Tết.

 

Đối với bệnh cúm gia cầm, trong cả năm người dân luôn cần phải đề cao cảnh giác, tuy nhiên trong dịp Tết này thì cần phải cảnh giác hơn nữa vì đây là thời điểm các hoạt động vận chuyển, giết mổ tiêu thụ sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra dịch ở gia cầm và nguy cơ lây nhiễm sang người.

 

Trong thời điểm có dịch, việc ăn thịt và trứng gia cầm có an toàn không?

 

Dạo một vòng quanh phố lẩu Cao Bá Quát, Phùng Hưng và phố phở Bát Đàn trong cái rét của trời Hà Nội sẽ làm cho người ta cảm thấy hấp dẫn và thèm được ngồi vào ăn ở những quán bên đường. Thực khách ngồi chật các quán lẩu và phở và đang thưởng thức những nồi lẩu gà, vịt thơm phức và những bát trứng trần hấp dẫn mà không biết rằng mối nguy hiểm từ những miếng thịt gà chưa được nấu kỹ và những quả trứng lòng đào đang rình rập xung quanh.

 

Việc tự chế biến, làm lông gà, vịt ở nhà như thông thường sẽ càng làm tăng khả năng phơi nhiễm với vi rút H5N1 vì vi rút này tồn tại ở tất cả các bộ phận của gia cầm bị nhiễm bệnh như trong máu, trong thịt và phân của gia cầm. Vi rút H5N1 còn tồn tại cả bên ngoài vỏ và bên trong quả trứng của những con gia cầm nhiễm bệnh. Do vậy mà thói quen tiêu thụ bất kỳ sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ  nào đều được coi là một thói quen dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm cao.

 

Tuy nhiên nếu biết cách giết mổ và chế biến an toàn thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức được món thịt gia cầm mà chúng ta yêu thích. Cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ nào chứng tỏ rằng các ca nhiễm cúm gia cầm ở người là do ăn thịt gia cầm đã được nấu chín kỹ. Một số ca nhiễm cúm và tử vong do cúm ở người cho thấy nguy cơ lây nhiễm là do ăn thịt, trứng gia cầm nhiễm bệnh và không được nấu chín kỹ.

 

Nhận thức đúng đắn - Cách phòng ngừa hiệu hữu

 

Vi rút cúm gia cầm nguy hiểm như vậy thì làm cách nào để chúng ta có một bữa ăn an toàn? Để có một bữa ăn an toàn với các sản phẩm gia cầm rất đơn giản.

 

- Đầu tiên, chúng ta nên chọn mua những gia cầm khỏe mạnh và đã qua kiểm dịch và cẩn thận khi chế biến - đeo khẩu trang, găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm sống hoặc sản phẩm gia cầm đã chế biến.

 

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần mua gia cầm có dấu kiểm dịch là an toàn rồi thì không cần phải nấu chín kỹ nhưng không hẳn như vậy. Chúng ta phải cảnh giác hơn vì hiện nay ở một số chợ đã xuất hiện dấu kiểm dịch giả.

 

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, khi giết mổ và làm lông gia cầm, chúng ta phải mặc đồ bảo hộ, mang găng tay, khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi chế biến.

 

- Khi nấu, nhất thiết là phải nấu cho đến nhiệt độ 70oC. Nấu thật kỹ cho đến khi thịt không còn màu hồng và trứng không còn lòng đào. Ngoài ra, chúng ta cũng nên sử dụng thớt và dao riêng cho thức ăn chín và thức ăn sống. Và điều quan trọng nhất là chỉ mua gia cầm chế biến đã qua kiểm dịch và không được tiêu thụ gia cầm ốm và chết.

 

Ông bà ta thường nói phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chỉ việc tuân thủ đúng các biện pháp phòng ngừa thì chúng ta và cả gia đình sẽ có một cái Tết vui vẻ, an toàn mà còn được thưởng thức được những món ăn mà chúng ta yêu thích.

 

Chế biến các sản phẩm gia cầm an toàn và nấu chín kỹ đến khi thịt không còn màu hồng, trứng không còn lòng đào là biện pháp tốt nhất để đảm bảo một cái Tết không có cúm gia cầm.

 

Hỏi đáp:

 

1. Có nên chế biến và ăn thịt gà đã chết không?

 

Người dân tuyệt đối không nên ăn các sản phẩm gia cầm như trứng hoặc thịt gia cầm của những con gia cầm đã chết vì bệnh. Phải thông báo ngay cho chính quyền về những trường hợp gia cầm chết bất thường. Xác gia cầm chết phải được tiêu hủy đúng cách để tránh lây nhiễm lan rộng.

 

2. Để riêng thịt sống và thức ăn chín để tránh lây nhiễm

 

Dùng riêng thớt và dao cho thức ăn sống và các đồ ăn khác. Sau khi chế biến thức ăn sống phải rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn chín. Không để thức ăn chín vào đĩa đã từng đựng thức ăn sống. Không dùng trứng sống hoặc trứng trần cho các thức ăn mà sẽ không được đun nấu kỹ.

 

3. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và rửa tay sạch:

 

Sau khi chế biến thực phẩm gia cầm đông lạnh (thịt và trứng), phải rửa tay bằng xà phòng. Rửa sạch và khử trùng các vật dụng và khu vực chế biến thịt gia cầm sống.

 

4. Nấu chín kỹ

 

Việc nấu chín kỹ thịt gia cầm sẽ có tác dụng loại trừ được khả năng gây bệnh của vi rút cúm gia cầm.Phải nấu thịt, trứng gia cầm đến 700C và nấu đến khi thịt không còn màu hồng, trứng không còn lòng đào.

5. Không ăn trứng còn lòng đào hoặc bất cứ phần nào của gia cầm chưa được nấu chín kỹ

 

Ăn Tết an toàn - 1

Ăn Tết an toàn - 2
 “Chung sức vì một Việt Nam không cúm gia cầm”.