Ăn kiêng "tạm thời" có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường týp 2

(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy việc ăn kiêng "tạm thời" - nhịn ăn gián đoạn - có thể làm tăng lượng insulin, tổn thương tế bào tụy, và tăng mỡ bụng.

Nhịn ăn gián đoạn có thể là một chế độ ăn thông dụng, nhưng nó cũng có thể gây hại cho chuyển hóa.
Nhịn ăn gián đoạn có thể là một chế độ ăn thông dụng, nhưng nó cũng có thể gây hại cho chuyển hóa.

Nhưng liệu việc nhịn ăn không liên tục có những mặt trái nào? Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội Nội tiết châu Âu - diễn ra tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha - cho thấy cách ăn kiêng này có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho chuyển hóa của một người.

Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy nhịn ăn trong một thời gian ngắn làm tăng stress oxy hóa và sản sinh các gốc tự do.

Stress oxy hóa và mức độ cao của các gốc tự do đã được đề gợi ý là thúc đẩy quá trình lão hóa và làm hư hại ADN, làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh.

Để tìm hiểu xem việc nhịn ăn gián đoạn có thực sự tạo ra các gốc tự do hay không, Bonassa và các cộng sự đã cho những con chuột trưởng thành khỏe mạnh ăn kiêng theo kiểu này trong 3 tháng.

Trong thời gian đó, các nhà nghiên cứu do Ana Cláudia Munhoz Bonassa, một nhà nghiên cứu tại Đại học São Paulo ở Brazil, làm trưởng nhóm, đã đo và theo dõi mức độ và chức năng insulin ở các con chuột, cân nặng cũng như mức độ gốc tự do của chúng.

Kết thúc giai đoạn ăn kiêng, các con chuột đã giảm cân, như mong đợi. Tuy nhiên, sự phân bố mỡ cơ thể của chúng có sự thay đổi bất ngờ.

Lượng mô mỡ ở bụng tăng lên. Mỡ bụng đã được chứng minh là có liên quan chặt chẽ với đái tháo đường týp 2, với một số nghiên cứu thậm chí còn gợi ý cơ chế phân tử kết nối hai tình trạng này.

Ngoài ra, Bonassa và các đồng nghiệp đã phát hiện thấy tổn thương trong các tế bào tuyến tụy tiết insulin, cũng như mức độ cao hơn của các gốc tự do và các dấu hiệu kháng insulin.

Nhận xét về kết quả nghiên cứu, TS. Bonassa nhận xét: "Chúng ta nên cân nhắc rằng những người thừa cân hoặc béo phì, là những đối tượng lựa chọn kiểu ăn kiêng này, vốn dĩ có thể đã kháng insulin. Vì thế, mặc dù kiểu ăn kiêng nhịn ăn gián đoạn có thể dẫn đến giảm cân sớm và nhanh chóng, nhưng về lâu dài, nó có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của họ, chẳng hạn như sự phát triển của bệnh đái tháo đường týp 2".

"Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy, mặc dù giảm cân, chế độ nhịn ăn gián đoạn có thể làm tổn thương tuyến tụy và ảnh hưởng đến chức năng insulin ở những người khỏe mạnh bình thường, dẫn đến đái tháo đường và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng".

Các nhà khoa học dự định sẽ nghiên cứu chi tiết hơn về các tác hại của việc nhịn ăn gián đoạn đến hoạt động bình thường của tuyến tụy và hoóc-môn insulin.

Ăn kiêng kiểu nhịn ăn gián đoạn đang ngày càng thu hút được nhiều người muốn giảm cân nhanh chóng.

Kiểu ăn kiêng phổ biến này bao gồm những ngày "nhịn đói" - hạn chế nghiêm ngặt lượng calo – ví dụ xuống còn 1/4 khẩu phần hàng ngày hoặc ít hơn, - và những ngày “thỏa thuê" – có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn.

Đôi khi được gọi là ăn kiêng "tạm thời ", nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, do những lợi ích được gợi ý của nó về tăng tuổi thọ và ngăn chặn ung thư.

Thật vậy, một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng nhịn ăn gián đoạn có thể làm giảm nguy cơ ung thư, trong khi các nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng những người mà tôn giáo bắt họ phải nhịn ăn thường xuyên thường sống lâu hơn những người già không nhịn ăn.

Cẩm Tú

Theo MNT