Ẩn họa từ việc muối dưa bằng vỏ thùng sơn

(Dân trí) - “Ăn các loại thực phẩm ngâm lâu trong các đồ nhựa tái chế, tái sử dụng có nguy cơ mắc các bệnh về hệ thần kinh, tim mạch, đặc biệt có thể gây ung thư”, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, TT Nghiên cứu vật liệu Polyme, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh.

“Tiện, rẻ và bền”

 

Đó là câu trả lời của hầu hết các chủ kinh doanh khi được hỏi tại sao lại sử dụng vỏ thùng đựng sơn để muối dưa, cà, hành. Một người có thâm niên bán hàng dưa muối tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Vỏ thùng sơn là vật dụng rất tiện lợi cho cả việc đựng và vận chuyển. Nhà tôi hiện có hơn chục chiếc thay nhau chuyên dùng đề muối dưa, muối cà, muối hành. Chỉ đến khi bán mới thì bỏ vào chậu nhựa, lọ nhựa nhỏ. Khi tôi đề cập đến vấn đề chất độc, bà chủ thản nhiên: “Ối dào… tôi bán hàng chục năm nay có ai làm sao đâu. Nói thế thì cái gì bây giờ cái gì chả có độc”.

 

Tại chợ Nhà Xanh, Dịch Vọng, Cầu Giấy, dưa muối thành phẩm được để nguyên trong vỏ thùng sơn, bày bán ngay giữa lối đi. Chị chủ hàng cho biết: “Mỗi ngày tôi bán mấy chục cân dưa, bình thuỷ tinh nào chứa đủ. Hơn nữa, vừa muối vừa chứa bằng thùng như thế này tiện hơn rất nhiều. Cho vào bình thuỷ tinh vừa tốn thêm tiền lại dễ vỡ”.

 

Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn quận Hà Nội chúng tôi nhận thấy tình trạng các hộ kinh doanh tái sử dụng các vỏ thùng sơn làm dụng cụ chế biến và chưa thức ăn diễn ra khá phổ biến. Từ việc muối dưa, muối hành đến ngâm đậu phụ, măng chua. Trên thực tế cho thấy, tái sử dụng vỏ thùng sơn vừa tiện lợi, lại ít tốn kém. Hơn nữa vỏ thùng sơn lại có độ bền không kém các vật dụng khác.

 

Không chỉ vỏ thùng sơn, mà hiện nay, xô, chậu nhựa với đủ loại màu sắc cũng là vật dụng được sử dụng rất nhiều. Từ ngoài chợ đến các quán cơm bình dân, đâu đâu chúng ta cũng thấy thức ăn được ngâm chứa trong các xô, chậu nhựa. Một chị chủ quán cơm bình dân trên đường Cầu Giấy chỉ vào đám chậu nhựa đựng thức ăn trên bàn nói như khoe: “Dùng chậu nhựa đựng thức ăn tiện lợi hơn rất nhiều so với đồ sành, sứ. Nhà tôi dùng sà sã 2 năm rồi mà chỉ bạc đi chứ chưa hề hỏng”.

 

Nguy cơ gây ung thư

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu, Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Trong các đồ nhựa dân dụng như xô, chậu nhựa có chứa các chất xúc tác từ quá trình chế tạo. Ngoài ra còn có cả các phẩm màu hữu cơ. Những chất này khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ”.

 

Theo phân tích của GS Diệu thì khi ngâm chứa thức ăn với thời gian dài trong các đồ nhựa có màu sắc, đặc biệt khi muối dưa, muối hành, axít trong dung dịch dùng để muối sẽ làm cho các độc chất trong đồ nhựa bị tách ra và hoà tan trong nước, ngấm vào thức ăn, xâm nhập vào cơ thể người, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hoá và hệ thần kinh. Chính vì thế, mà chúng ta không nên sử dụng các dụng cụ đồ nhựa có màu sắc hoặc đã đựng hoá chất để ngâm chứa đặc biệt là muối dưa, muối hành.

 

GS Diệu còn cho biết: “Trong vỏ thùng sơn còn tồn dư một số hoá chất như chất chống nhũ hoá, chống đông lắng. Khi ngâm thực phẩm lâu trong các vỏ thùng sơn này, các chất độc hại sẽ được hoà tan và ngâm vào thực phẩm. Nếu sử dụng với thời gian dài, những tạp chất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá, tim mạch, thần kinh và nguy cơ gây ung thư.

 

Từ những lý do trên, GS Diệu đã đưa ra khuyến cáo, không nên sử dụng đồ nhựa tái sinh, tái chế để đựng thức ăn. Chất độc trong nhựa tái chế thủ công ở nhiệt độ cao sẽ gây biến đổi và tạo nhiều độc tố. Đặc biệt là dạng lỏng, có chứa giấm không được đựng trong nhựa tái chế, tái sử dụng.

 

“Tốt nhất, với những thức ăn như dưa muối, hành muối nên sử dụng các vật dụng được làm từ sành sứ hoặc thuỷ tinh”, GS Diệu khẳng định.

 

Thái Bình