“Amip ăn não” cực hiếm so với các tác nhân viêm màng não khác

(Dân trí) - “Nghe đến từ amip ăn não, người ta thấy hoảng sợ bởi đó là một danh từ lạ, nghe có vẻ kinh khủng. Nhưng thực tế, với quan điểm cá nhân tôi, amip ăn não người so với những nguyên nhân gây tổn thương não, màng não khác thì vô cùng ít và nhỏ bé”.

TS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ trước thông tin hai ca bệnh tại Việt Nam tử vong do vi rút ăn não người khiến nhiều người dân hoang mang.
 
TS.BS Nguyễn Tiến Lâm. Ảnh: H.Hải
TS.BS Nguyễn Tiến Lâm. Ảnh: H.Hải

Thưa ông, loài ký sinh trùng amip Naegleria fowleri có phải là loài ký sinh trùng mới xuất hiện tại Việt Nam không?

Trước hết phải nói ký sinh trùng Naegleria fowleri không phải là mới. Nhưng với cách gọi “amip ăn não” (thực chất là nó xâm nhập vào các dây thần kinh não bộ), khiến người ta cảm thấy lạ, có vẻ ghê gớm, khủng khiếp.
 
Tại Việt Nam, loại amip có tên khoa học là Entamoeba histolytica gây bệnh lỵ, trực tràng gặp khá phổ biến. Loại amip này thường gây bệnh đại tràng, áp xe gan, vào phổi gây áp xe phổi do amip, áp xe não do amip… Càng những nguy cơ kể về sau thể bệnh càng hiếm hơn so với amip ở đại tràng, gan.

Còn loài ký sinh trùng “ăn não người” có tên khoa học là Naegleria fowleri là một nhánh khác, có kích thích rất nhỏ, phân bố trên toàn thế giới, ở các ao hồ nước ngọt. Nó cứ tồn tại trong môi trường như vậy, nó gây bệnh cho người khi tiếp xúc với nước nhưng tỉ lệ gây bệnh cực hiếm, không phải ai hít phải con amip “ăn não người” này đều bệnh.

Tuy hiếm gặp, nhưng chỉ trong vòng hai tháng tại Việt Nam đã có đến 2 ca tử vong được xác nhận là do nhiễm “amip ăn não” khiến người dân rất hoang mang, lo lắng. Theo ông, những đối tượng nào có nguy cơ nhiễm amip?

Thực tế, tại Việt Nam mới ghi nhận hai ca tử vong này so với các ca tử vong khác liên quan đến viêm màng não, viêm não do các tác nhân khác không phải là nhiều.

Ký sinh trùng này phát triển mạnh nhất ở nhiệt độ 46 độ C và có thể sống sót trong một thời gian ngắn ở nhiệt độ cao hơn. Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi. Bệnh thường xảy ra vào các tháng mùa nóng, từ tháng 6 đến tháng 9. Nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra mặc dù rất thấp ở khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại của sinh vật này.

Vì cơ chế gây bệnh là xâm nhập vào đường hô hấp hấp vùng mũi xoang, có khả năng theo dây thần kinh khứu giác vào hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não nên với những người có niêm mạc mũi họng dễ tổn thương càng dễ bị xâm nhập. Có nhiều người dù có tiếp xúc với “amip ăn não” nhưng niêm mạc mũi tốt sẽ giúp cản amip lại và không gây bệnh. Những người có nguy cơ cao là những người có sẵn bệnh lý về mũi họng, xoang mãn tính.

Nói thêm về sự hiếm gặp, đó là trên thế giới, người ta cũng thấy so với các bệnh khác, số lượng này không nhiều. Trong vòng 50 năm từ từ năm 1962 đến 2011 ở Mỹ chỉ báo cáo 123 người mắc bệnh này ở Mỹ.

So với căn nguyên gây tổn thương thần kinh trung ương khác mà chúng ta thường xuyên gặp như viêm màng não mủ do não mô cầu rất nhiều, từ căn nguyên vi rút như viêm não Nhật Bản B, viêm não do sởi, do rubella… những trường hợp này gặp với tỷ lệ cao, diễn biến nặng thì tác nhân “amip ăn não” gây ra quá ít ỏi.

Ông có thể đánh giá về tính nguy hiểm khi bị amip này tấn công các dây thần kinh não bộ?

Ở trong môi trường nước, ký sinh trùng này tự do bơi lội và ăn các loại vi khuẩn. Nhưng khi xâm nhập vào đường mũi, ký sinh trùng này sẽ đi qua các dây thần kinh vùng khứu giác và đi ngược lên não, cư trú tại đây. Khi đã chui vào não nó không di chuyển mà cư trú ở một vị trí nhất định, sinh sôi nảy nở và ăn các tế bào thần kinh và gây nên tình trạng viêm não, viêm màng não tiến triển rất nhanh, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không kịp thời điều trị.

Quả thực, bệnh hiếm gặp nhưng tỉ lệ tử vong cao đến 99%, vừa vì người ta chưa tìm ra loại thuốc đặc hiệu với loại ký sinh trùng này so với các thuốc đặc hiệu như kháng sinh với vi khuẩn, một mặt vì cực hiếm gặp nên người ta ít nghĩ đến căn nguyên này mà thường điều trị theo các căn nguyên thường gặp khác.

Được biết, trường hợp tử vong thứ 2 vì amip ăn não em bé này không có tiền sử tiếp xúc với nước hồ bơi, ao hồ. Liệu có khả năng loại ký sinh trùng này có mặt trong nguồn nước uống, uống phải gây bệnh, thưa ông?

Đa phần nó phải đi qua niêm mạc mũi họng mới gây viêm não, viêm màng não, còn khả năng qua đường uống thì cũng có một số nghiên cứu cho thấy nó cực hiếm. Bởi khi chúng ta uống nguồn nước nhiễm amip ăn não, tác nhân gây bệnh cũng có thể đọng lại trong cuống lưỡi, thành sau họng từ đó di chuyển lên niêm mạc mũi xoang nhưng thực tế thì tỉ lệ đó rất hiếm. Có những tác giả khẳng định uống phải không gây bệnh mà chỉ bị khi bị sặc nước có chứa sinh vật này lên đường mũi, từ đó theo thần kinh khứu giác lên não và gây viêm não.

Có thể phát hiện nguy cơ nhiễm “amip ăn não” trước khi nó tấn công não bộ gây ra tình trạng viêm não, viêm màng não không, thưa ông?

Nếu nghĩ đến khả năng amip mới xâm nhập vùng mũi chưa chui đi đâu người ta có thể ngoáy dịch họng tìm kháng nguyên, kháng thể nhưng không ai làm xét nghiệm đó cả, người ta chỉ nghĩ đến khi có triệu chứng.

Bởi kết quả xét nghiệm hoàn toàn có thể dương tính nếu đã tiếp xúc tự nhiên với amip ăn não, hay khi amip chỉ cư trú vùng mũi, không lan vào thần kinh trung ương thì cơ thể vẫn nhận diện, vẫn sinh ra kháng thể và cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Vậy có nên đưa ra khuyến cáo không nên bơi ở các vùng ao, hồ… thưa ông?

Rất khó có thể đưa ra lời khuyên bởi loại ký sinh trùng này không nhìn thấy được bằng mắt thường. Trong khi đang rất thiếu các số liệu số liệu về sự phân bố ở môi trường, thiếu các số liệu về tỉ lệ bao phần trăm người tiếp xúc amip, người nào bị, người nào không bị.

Loài ký sinh trùng này cũng tồn tại trong môi trường nước bẩn. Vì thế, để phòng bệnh việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước rất quan trọng. Tuy nhiên cần khẳng định, không phải ai gặp nguồn nước bẩn có ký sinh trùng này đều có thể bị mà chỉ xảy ra nguy cơ khi trong quá trình ngụp, lặn bị sặc nước bẩn có chứa ký sinh trùng này và phải có yếu tố cảm nhiễm của cơ thể, chứ không phải ai cũng có nguy cơ..

Hồng Hải (thực hiện)