60% sữa đậu nành thủ công không đảm bảo VSATTP

(Dân trí) - Kết quả khảo sát của Hội An toàn Thực phẩm, tại một phường ở Hà Nội chuyên chế biến sữa đậu nành và đậu phụ cho thấy 70% sữa đậu nành được chế biến thủ công, trong đó 60% số hộ không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo tại hội thảo Chất lượng an toàn thực phẩm và công nghệ sản xuất sữa đậu nành với sức khoẻ con người vừa được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam là quốc gia xếp thứ 7 trong top 12 nước có mức tiêu thụ sữa đậu nành bình quân đầu người cao nhất thế giới.
 
Theo nghiên cứu, sữa đậu nành được làm từ hạt đậu tương (đậu nành - Soybean) có thành phần dinh dưỡng cao và được gọi là “sữa xanh” bởi trong 100g đậu tương có 400 Kcal, 34g protein; hàm lượng lipit của đậu tương rất cao: 18,4g; gluxit: 24,6g; 4,8g chất xơ; 165mg can-xi, 690 mg phospho, 11mg sắt; 30mg Beta caroten; 6,54mg B1; 0,29mg B2; 2,3mg PP; 4mg vitamin; kẽm 3,8mg. Protein của đậu tương có đủ các axit amin cần thiết cho sự phát triển của cơ thể con người mà các loại đậu đỗ khác không có...
60% sữa đậu nành thủ công không đảm bảo VSATTP - 1
60% sữa đậu nành chế biến thủ công không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm/ (Ảnh minh họa)
 
Trung tâm Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn Thực phẩm thuộc Viện Dinh dưỡng cũng đã tiến hành phân tích sữa đậu nành trên thị trường Hà Nội. Kết quả cho thấy, trong sữa đậu nành có 11-18mg axit amin/lít và có đủ các axit amin cần thiết cho cơ thể con người như: Phenyllalanine A Tyrosine, Threonine… Từ nhiều năm nay, sữa đậu nành cũng là thức uống thân thuộc với người Hà Nội. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, chất lượng sữa đậu nành được làm thủ công rất đáng lo ngại.
 
Kết quả khảo sát mới nhất của Hội An toàn thực phẩm, tại một phường ở Hà Nội chuyên chế biến sữa đậu nành và đậu phụ cho thấy sữa đậu nành bán trên thị trường Hà Nội hiện nay 70% được chế biến thủ công tại hộ gia đình, trong đó 60% số hộ không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Sữa đậu nành thủ công thường được chế biến với tỷ lệ: 100g đậu/ 1,5-2 (lít) nước và đóng vào túi nilon 0,5 - 1 (lít) rồi mang ra chợ để bán trực tiếp cho người tiêu dùng vào các buổi sáng. Cũng có những hộ đóng sữa vào chai thủy tinh 0,5 - 1 (lít). Trong khi “theo chuẩn, 100g đậu tương chỉ làm được 1 lít sữa đậu nành”, ông Huỳnh Sơn Hải, PGĐ Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (VinaSoy), cho biết.
 
Sở dĩ tình trạng các sản phẩm sữa đậu nành kém chất lượng dễ dàng xuất hiện trên thị trường như vậy và tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe lâu dài cho người tiêu dùng là do đến nay, chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm sữa đậu nành.
 
“Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tác động trực tiếp thường xuyên đến sức khỏe của mỗi người dân, về lâu dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống dân tộc. Cũng giống như dùng phải những loại thực phẩm độc hại khác, uống sữa đậu nành không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có nguy cơ mang nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có bệnh ung thư”,TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội KHKT An toàn thực phẩm Việt Nam đưa ra cảnh báo.

 P. Thanh