6 tháng xảy ra 3 đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm

(Dân trí) - Số người nhập viện do tiêu chảy cấp nguy hiểm vẫn tiếp tục gia tăng. Các chuyên gia lo ngại số người lành mang phẩy khuẩn tả vẫn đang mang mầm bệnh di chuyển và không được kiểm soát được. Hồ Linh Quang (Hà Nội) được xác định nhiễm phẩy khuẩn tả rất nặng

Từ khi có dịch, gần 400 người mắc tả

Tính từ 6/3/2008 đến nay đã có tất cả 279 trường hợp phải nhập viện do tiêu chảy, trong đó 85 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Số bệnh nhân này rải rác ở 39 quận huyện, thuộc 10 tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiều nhất là thành phố Hà Nội.

Tính đến thời điểm này, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc tiêu chảy cấp, trong đó có hơn 100 ca nghi nhiễm phẩy khuẩn tả. Theo báo cáo của Bộ Y tế, 78% số bệnh nhân đều ở tuổi từ 20 - 30, đa số bệnh nhân mắc bệnh đều có liên quan đến thức ăn đường phố.

Điều đáng lo ngại là nguồn nước mặt tại một số địa phương, trong đó có một số hồ thuộc Hà Nội đã phát hiện có phẩy khuẩn tả. Các chuyên gia y tế hiện đang lo ngại về số người lành có khuẩn tả vẫn đang mang mầm bệnh di chuyển và không kiểm soát được. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh kéo dài.

Như vậy, tính từ cuối năm 2007 đến nay, Việt Nam đã xảy ra 3 đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Đợt dịch thứ nhất bắt đầu từ ngày 23/10 đến ngày 6/12/2007, được Bộ Y tế công bố với 1.991 trường hợp mắc, trong đó 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, 14 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc bệnh. Hà Nội là địa phương khởi phát với số bệnh nhân cao nhất.

Đợt dịch thứ hai (Bộ Y tế không công bố về đợt dịch này) từ ngày 24/12/07 đến 5/2/08 với 58 trường hợp mắc, trong đó có 32 trường hợp dương tính. Tất cả các trường hợp này đều ở Hà Nội.

Bộ Y tế cảnh báo, đợt dịch bệnh tiêu chảy nguy hiểm thứ 3 này đang có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh miền Trung.

Hồ Linh Quang đã nhiễm vi khuẩn tả do ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng

Sáng 4/4, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã giám sát công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở phường Văn Chương (quận Đống Đa). Gần 1 tháng qua, quận Đống Đa đã ghi nhận 105 ca tiêu chảy, trong đó 68 người nghi ngờ tiêu chảy cấp nguy hiểm và ít nhất 7 ca đã được khẳng định là tả.

Trong đó, riêng phường Văn Chương là điểm nóng nhất trong quận Đống Đa bởi đã có 6 bệnh nhân tả. Điều đặc biệt là họ đều là những người lao động ngoại tỉnh, trọ xung quanh hồ Linh Quang là khu vực ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng: Không có kênh thoát nước, dân xung quanh hồ không có nhà tiêu.

Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy, mặt nước hồ Linh Quang bị ô nhiễm bởi nhiều loại vi khuẩn có hại, trong đó có vi khuẩn tả. Chợ tạm Văn Chương lại nằm sát hồ, do đó các thực phẩm, rau quả ở chợ cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Cuối tuần qua, toàn bộ diện tích 3ha hồ đã được TT Y tế dự phòng Hà Nội rắc hơn 1 tấn Cloramin B khử khuẩn.

Xung quanh hồ, người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ, nhưng các nhà trọ này đều là các lán che tạm. Do đó, đoàn giám sát của HĐND TP đã yêu cầu quận Đống Đa nắm lại con số người lao động thuộc diện KT3 và KT4; đình chỉ các nhà trọ không đạt các yêu cầu vệ sinh tối thiểu.

Ông Nguyễn Đình Huấn, chủ tịch phường Văn Chương cho biết: "Phường đã đình chỉ 15 cơ sở ăn uống không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 2.000 dân sống xung quanh hồ đã được uống thuốc dự phòng tả Xiprofloxaxine.

Tuy nhiên, về lâu dài, không chỉ để phòng chống dịch tả mà còn đảm bảo môi trường, TP cần đôn đốc chủ đầu tư sớm thực hiện việc cải tạo hồ. Từ năm 2004, TP đã có quyết định đầu tư nạo vét lòng hồ. Năm 2007, TP lại có quyết định thu hồi đất. Nhưng khởi động vài ba lượt, đâu lại để đấy, không giảm quyết dứt điểm, môi trường ở đây vẫn ô nhiễm nghiêm trọng”.

P. Thanh