6 sai lầm khi chăm sóc trẻ

(Dân trí) - Khi trẻ bị cảm lạnh, cúm, đau bụng, và nhiễm trùng tai, các bà mẹ thường rỉ tai nhau vài mẹo vặt được truyền lại qua nhiều thế hệ hay những kinh nghiệm “tự đúc rút”... Dù chúng có nguồn gốc từ đâu, các bà mẹ không nên tin tưởng hoàn toàn vào chúng.

1. Ăn khi cảm lạnh, không ăn khi bị sốt

 

Sự thật: Tất cả người ốm, dù là người lớn hay trẻ con, dù bị cảm lạnh, sốt đều cần được cung cấp đủ dinh dưỡng và nước để nhanh chóng hồi phục.

 

Nếu con bạn không thích ăn các đồ cứng thì súp gà, nước hoa quả và thậm chí cả kem sẽ là những món thay thế rất tốt.

 

2. Nước nhầy (nước mũi, đờm…) màu hơi xanh - Trẻ chỉ bị cảm lạnh thông thường

 

Sự thật: Không phải lúc nào cũng đúng.

 

Nước nhầy màu xanh hoặc vàng có thể chỉ là triệu chứng của cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu nước nhầy có màu đi kèm với sốt cao kéo dài, chán ăn, ho và nghẹt mũi thì có thể là dấu hiệu của nhiễm khuẩn. Chúng không giống cảm lạnh và con bạn cần phải uống kháng sinh.

 

Nếu thấy con mình thường xuyên có nước nhầy màu vàng hoặc xanh, có thể cháu mắc một bệnh gì đó trầm trọng hơn khiến cháu liên tục bị nhiễm khuẩn (ví dụ: bệnh nấm V.A hay bệnh sùi vòm họng, một căn bệnh gây khó khăn cho trẻ khi thở và nói chuyện). Nhanh chóng đưa con tới gặp bác sĩ Nhi khoa để có biện pháp điều trị kịp thời.

 

3. Sốt nhẹ - Không cần điều trị

 

Sự thật: Điều này phụ thuộc vào thái độ của trẻ.

 

Sốt có thể là trạng thái kích thích hệ miễn dịch hoạt động và tiêu diệt các vi khuẩn và vi rút không thể sống ở nhiệt độ cao hơn 37 độC. Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để trẻ chịu đựng khổ sở cả.

 

Hãy cố gắng giữ cân bằng giữa việc giúp trẻ cảm thấy thoải mái và với việc để cơ thể trẻ làm nhiệm vụ của mình.

 

Nếu trẻ bị sốt nhẹ nhưng có vẻ khó tính, hôn mê, hoặc bị đau; hãy cho trẻ uống Acetaminophen (hỏi bác sĩ về liều dùng) và luôn trông chừng trẻ là đủ (đảm bảo là trẻ được uống nước đầy đủ).

 

Trường hợp ngoại lệ: trẻ dưới 6 tháng tuổi có biểu hiện của sốt ở bất cứ dạng nào đều phải gọi bác sĩ ngay lập tức.

 

4. Ăn kiêng là tốt nhất cho trẻ bị tiêu chảy

 

Sự thật: Một chế độ dinh dưỡng chỉ có cơm, thịt nạc, canh rau ngót… không phải là ý kiến hay cho trẻ bị tiêu chảy.

 

Con của bạn sẽ cảm thấy khỏe nhanh hơn rất nhiều nều bạn cho chúng ăn thứ gì chúng thực sự muốn. Chỉ tránh các món cay nóng, thức ăn nhiều mỡ và nước ép trái cây.

 

5. Không hôn bé nếu bạn bị cảm

 

Sự thật: Một cái hôn nhanh trên môi sẽ chẳng gây hại gì.

 

Không giống như ho hay hắt hơi (chúng có thể trực tiếp truyền rất nhiều vi khuẩn từ bạn sang bé), nước bọt trên môi bạn có chứa rất ít virut cảm nên khó có thể truyền virút ốm sang cho bé qua đường hôn.

 

Cách tốt nhất để giữ bé không bị lây cảm từ bạn đó là rửa tay thường xuyên.

 

6. Cảm gây nhiễm trùng tai

 

Sự thật: Điều này có vẻ như đúng, nhưng thực tế thì tất cả các trường hợp bị cảm là do virút gây ra, trong khi 90% trường hợp nhiễm trùng tai là do vi khuẩn.

 

Vậy tại sao trẻ lại hay bị nhiễm trùng tai khi chúng bị cảm? Nguyên nhân chính là do khi trẻ bị cảm, trong ống tai trẻ xuất hiện nhiều chất nhầy và dịch, tạo môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng tai.

 

Hoàng Thoa

Theo CNN

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ