5.000 người tử vong mỗi ngày vì bệnh lao

(Dân trí) - Đây là con số được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Toàn cầu lần thứ nhất của Tổ chức Y tế thế giới trong nỗ lực Chấm dứt bệnh lao trong kỷ nguyên phát triển bền vững tổ chức tại Matxcova (LB Nga) vào giữa tháng 11 vừa qua.


Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về chấm dứt bệnh lao

Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về chấm dứt bệnh lao

Ngày 15/12, PGS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, thành viên của Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, cho biết: "Tuyên bố chung Matxcova về chấm dứt bệnh lao của Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống Lao tại Matxcova (Liên Bang Nga) trong hai ngày 16-17/11/2017 là dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp phòng chống bệnh lao của Việt Nam và trên toàn cầu".

Trong Tuyên bố chung, các Bộ trưởng đều thống nhất “Các chỉ tiêu chấm dứt bệnh lao trên toàn thế giới đang có nguy cơ không đạt được nếu không có các công cụ mới và hiệu quả hơn, cùng các giải pháp tiếp cận sang tạo trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc”.

Trong 1000 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia hội nghi, có 82 Bộ trưởng và nhiều Thứ trưởng các Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, đồng thời có sự tham gia của Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, lãnh đạo của các tổ chức thuộc Liên hiệp quốc liên quan, Đặc phái viên của Liên hiệp quốc về phòng chống lao, các đối tác quốc tế cũng như đại diện người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao.

Việc giải quyết các vấn đề về bệnh lao trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự về kháng kháng sinh toàn cầu bởi lao đa kháng thuốc chiếm 1/3 số ca tử vong liên quan đến kháng kháng sinh.

Theo thống kê, bệnh lao đã lấy đi sinh mạng của hơn 5.000 trẻ em, phụ nữ và nam giới mỗi ngày và không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có 3.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Bệnh lao ảnh hưởng nhất tới những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Hút thuốc lá, lạm dụng rượu và các chất gây nghiệnn, ô nhiễm không khí, phơi nhiễm bụi silica, sống chung với HIV/AIDS, đái tháo đường và suy dinh dưỡng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Cũng tại Hội nghị này, nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lao của Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ và được các chuyên gia ghi nhận và đánh giá cao. Đó là kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam. Đặc biệt, chương trình thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn.

Sau khi Hội nghị kết thúc, Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất chính phủ đưa công tác chống lao vào "Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Bộ Y tế cũng chỉ đạo bệnh viện Phổi trung ương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Trước đó, năm 2014, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015 - 2020. Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây.

Nội dung cơ bản của Tuyên bố chung là sự cam kết chính trị mạnh mẽ triển khai 4 nhóm hành động tại mỗi quốc gia như:

1. Chủ động ứng phó với bệnh lao

2. Đảm bảo nguồn tài chính

3. Tăng cường đầu tư cho đổi mới và nghiên cứu khoa học

4. Xây dựng khung trách nhiệm liên ngành

Trần Phương