5 nhận định sai lầm về thuốc kháng sinh

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, con người đã tổng hợp được rất nhiều chế phẩm kháng sinh, tạo một cuộc cách mạng trong y học giúp chữa trị các bệnh nhiễm trùng một cách hiệu quả. Thực tế sau đó, các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh mọi lúc, mọi nơi khi phát hiện triệu chứng nhiễm trùng, dẫn đến sự kháng thuốc, xuất hiện những phản ứng phụ. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều quan niệm sai lầm về cách dùng thuốc kháng sinh. Dưới đây là 5 nhận định sai lầm tiêu biểu.

1. Tất cả các chế phẩm kháng khuẩn đều là kháng sinh

 

Cho dù trong ngành y, thuật ngữ “kháng sinh” vẫn thường được dùng để nói về tất cả các phương tiện chống vi khuẩn khác nhau nhưng chất kháng sinh thực sự chính là những chế phẩm được tạo thành bởi các vi sinh vật hay từ các phương pháp bán tổng hợp. Ngoài thuốc kháng sinh, còn tồn tại rất nhiều phương tiện kháng khuẩn tổng hợp khác như sulphanilamid.

 

Các loại thuốc như biseptol, furacilin, furazolidon, metronidazol, palin, nitrokzolin, nevigramon v.v… đều không phải là thuốc kháng sinh. Chúng khác các loại kháng sinh thực thụ ở các cơ cấu tác động lên các vi sinh vật cũng như hiệu quả và tác động chung đối với cơ thể con người.

 

2. Kháng sinh có thể chữa khỏi bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào

 

Nhận định sai lầm trên hiện rất phổ biến cho dù thực ra chất kháng sinh không thể chữa được các bệnh nhiễm trùng do vi rút hay một số loại bệnh nhiễm trùng khác. Phần lớn các chứng bệnh gọi là cảm mạo đều không yêu cầu chỉ định kháng sinh (như ampicillin, erythromicyn v.v...).

 

Kháng sinh cũng không có tác động lên các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng kiểu như nấm; các chứng bệnh nhiễm trùng khác như bạch hầu, ngộ độc thức ăn, uốn ván... do chất độc của vi khuẩn gây ra.

 

3. Kháng sinh rất có hại, không dùng trong bất cứ trường hợp nào

 

Thực tế cho thấy, nhiều người đã khước từ việc uống kháng sinh do bác sĩ chỉ định, ngay cả khi đang ốm nặng. Cho dù một số kháng sinh quả thực có hiệu ứng phụ nhưng hiện đã có những chế phẩm chỉ định dùng song song với kháng sinh, cho phép giảm bớt đáng kể những biến chứng như dị ứng (suprastin, tavegil).

 

Nhiều loại bệnh nếu không sử dụng kháng sinh, rất dễ có khả năng nảy sinh những biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ như bệnh viêm họng không được điều trị bằng kháng sinh có thể gây thương tổn đến tim (tương tự như bệnh thấp khớp) và thận. Nhiều loài bệnh nặng khác không có kháng sinh (như viêm phổi, viêm xoang hàm) sẽ gây ra những căn bệnh kinh niên (như viêm phổi, viêm xoang hàm kinh niên, nhiễm trùng kinh niên đường nước tiểu).

 

4. Có thể tự chỉ định thuốc kháng sinh cho bản thân (hay cho con cái)

 

Việc tự chữa trị bằng thuốc kháng sinh rất nguy hiểm và không có hiệu quả bởi nhiều yếu tố: lựa chọn không đúng loại kháng sinh; hình thành các hiệu ứng phụ độc hại do dùng liều không đúng và thiếu các chế phẩm hạn chế biến chứng, gây ra hiện tượng lờn thuốc của vi khuẩn đối với kháng sinh do việc ngừng sử dụng thuốc không đúng lúc v.v…

 

Liều lượng thuốc còn phụ thuộc vào độ tuổi và những căn bệnh kèm theo. Chỉ số này không phải luôn luôn phù hợp với hướng dẫn đã ghi trên vỏ hộp thuốc. Do đó, cần phải có sự theo dõi bệnh và chỉ định của bác sĩ khi sử dụng kháng sinh.

 

5. Ngưng dùng kháng sinh khi vừa có biểu hiện dứt bệnh

 

Có khá nhiều trường hợp, bệnh nhân tự ý bỏ dùng kháng sinh sau 1 đến 2 ngày, khi cảm thấy bệnh đã đỡ hơn. Điều này khiến chứng nhiễm trùng sẽ dai dẳng khó chữa, gây biến chứng ảnh hưởng tới tim và thận… Nếu bỏ dùng kháng sinh trước thời hạn cần, cơ thể sẽ hình thành những loại vi khuẩn lờn thuốc. Ngược lại, nếu kháng sinh được dùng quá lâu mà không thấy có tác dụng sẽ ảnh hưởng có hại tới cơ thể, tăng nguy cơ phát triển các tác động phụ khác như dị ứng. 

 

Theo Như Quỳnh

Sài Gòn giải phóng