4 tiếng vi phẫu nối liền bàn tay bị cưa máy chém đứt lìa

(Dân trí) - Sơ ý khi xẻ gỗ, nam công nhân đã bị cưa máy chém đứt lìa cổ tay trái. Nạn nhận được chuyển đến bệnh viện cùng bàn tay nằm trong thùng đá. Sau nhiều giờ vi phẫu, các bác sĩ đã nối thành công phần đứt lìa cho người bệnh.

Ngày 5/8, thông tin từ bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và cứu chữa kịp thời cho một bệnh nhân bị đứt lìa cổ tay. Người bệnh là T.X.T. (37 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất máu, bàn tay bị đứt lìa được sơ cứu giữ lạnh trong thùng đá.

Hình ảnh bàn tay bị đứt lìa của người bệnh qua phim X-quang
Hình ảnh bàn tay bị đứt lìa của người bệnh qua phim X-quang

Sau khi hồi sức, truyền máu, truyền dịch, các bác sĩ đã quyết định thực hiện vi phẫu nối tay cho người bệnh. Ê kíp phẫu thuật đã xử lý làm sạch vết thương, cắt lọc vùng cơ da bị dập. Hơn 4 giờ tỉ mẫn đến từng chi tiết nhỏ dưới kính vi phẫu, các bác sĩ đã thành công trong việc nối lại gân - cơ, thần kinh, mạch máu, kết hợp xương, nối động mạch, tĩnh mạch cứu bàn tay cho người bệnh.

Sau phẫu thuật, bàn tay trái của bệnh nhân đã hồng hào các ngón bắt đầu cử động được. Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị để tránh nhiễm trùng, hoại tử và nguy cơ tắc mạch máu thứ phát. Sau hậu phẫu, bệnh nhân sẽ bước vào giai đoạn vật lý trị liệu, kết hợp với các hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ để hồi phục vận động.

Sau 4 tiếng vi phẫu, bác sĩ đã nối thành công bộ phận bị đứt lìa cho bệnh nhân
Sau 4 tiếng vi phẫu, bác sĩ đã nối thành công bộ phận bị đứt lìa cho bệnh nhân

BS.CKII Võ Hòa Khánh – chuyên gia vi phẫu – Phó trưởng phòng Quản lý Chất Lượng cho hay, thống kê sơ bộ, mỗi năm tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tiếp nhận và vi phẫu cho khoảng 10 đến 12 trường hợp đứt lìa và đứt gần lìa cổ tay do tai nạn lao động.

Qua tai nạn trên, cộng đồng cần tuyệt đối tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn lao động. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, người bị nạn hoặc người ứng cứu cần bình tĩnh băng ép phần đứt lìa hoặc ga rô cánh tay để giảm thiểu tối đa mất máu.

Để bảo quản được phần cơ thể bị đứt lìa, tránh nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cần rửa sạch phần đứt lìa bằng nước sạch, nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại. Đặt túi vào thùng đá lạnh, chậu chứa đá hoặc cho vào 1 cái túi khác có chứa đá lạnh và chuyển tất cả theo nạn nhân. Khoảng thời gian vàng để khâu nối bộ phận cơ thể bị đứt lìa là 6 tiếng kể từ sau tai nạn nên cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Li Uyên