4 người tử vong vì phản ứng có hại của thuốc

(Dân trí) - Có tới 215 bệnh nhân phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy vì gặp phải những phản ứng có hại của thuốc, trong đó 4 người đã tử vong. Bác sĩ cảnh báo tất cả các loại thuốc sử dụng ngay cả khi đúng chỉ định vẫn có thể gặp phản ứng bất lợi.

Một trường hợp bị phản ứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng
Một trường hợp bị phản ứng sau khi sử dụng thực phẩm chức năng

Đó là thống kê của BS Nguyễn Ngọc Sang cùng nhóm cộng sự tại khoa Bệnh Nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM trong năm 2012. Theo đó, phản ứng có hại của thuốc là một trong những vấn đề quan trọng nhất để đánh giá sự an toàn của một loại thuốc. Mặc dù đã trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt nhưng trên thực tế nhiều phản ứng có hại của thuốc chỉ được phát hiện sau một thời gian dài thuốc được đưa vào sử dụng.

Trong số 215 bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới của Chợ Rẫy có tới 71,3% không thể xác định rõ thuốc gây phản ứng có hại; 7,9% ghi nhận là do nhóm thuốc kháng viêm; 7,4% do kháng sinh; thuốc điều trị gout Allopurinol chiếm 7%; bên cạnh đó là thuốc điều trị động kinh; thuốc kháng lao.

Thống kê cho thấy gần 11% bệnh nhân gặp phải phản ứng nặng đe dọa đến tính mạng và phải kéo dài thời gian nằm viện vì hội chứng Stevens Johnson và Lyell (bệnh khởi phát đột ngột bắt đầu bằng sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi, đau viêm họng miệng, niêm mạc mắt và sinh dục về sau xuất hiện ở da mụn nước, bọng nước, toàn trạng ngày càng nặng có thể tử vong). 4 nạn nhân bị phản ứng có hại của thuốc đã tử vong vì nhiễm trùng huyết, biến chứng choáng nhiễm trùng xảy ra sau hội chứng Steven Johnson.

Tất cả các loại thuốc sử dụng ngay cả khi đúng chỉ định của thầy thuốc đều có thể gây phản ứng có hại. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân và thầy thuốc chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, có toa thuốc hay nhãn mác thuốc để nhận dạng loại thuốc gây phản ứng. Thận trọng khi chỉ định và phối hợp thuốc sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện các phản ứng có hại.

Vân Sơn