35 hành khách cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm cúm đã vào Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 21/5, Bộ Y tế đã xác định được danh tính, địa chỉ lưu trú của 35 hành khách cùng chuyến bay với bệnh nhân phát hiện nhiễm cúm A/H1N1 tại Hàn Quốc. Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện giám sát và quản lý các hành khách này.

Cũng trong ngày 21/5, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do khuẩn phẩy tả và các biện pháp đã triển khai phòng chống dịch.

Liên quan đến trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 được phát hiện tại Hàn Quốc là một người Mỹ gốc Việt đang từ Mỹ về Việt Nam (quá cảnh qua Hàn Quốc), đi cùng với bệnh nhân trên chuyến bay có 35 hành khách đã nhập cảnh Việt Nam, lưu trú tại 12 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh (18), Bến Tre (1), Đồng Nai (1), Kiên Giang (1), Long An (2), Phú Yên (1), Sóc Trăng (3), Tây Ninh (1), Đã Nẵng (1), Vũng Tàu (3), Vĩnh Long (2), Hòa Bình (1). Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện giám sát và quản lý các hành khách này.

Trong ngày 20/05/2009, tại 17 cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy đã giám sát 15.859 hành khách nhập cảnh trong đó có 340 hành khách từ Mỹ, 219 hành khách từ Mexico và 3.751 hành khách từ các vùng có nguy cơ khác; có 3 trường hợp nghi ngờ (Tân Sơn Nhất: 2, Tây Ninh:1).

Tích lũy từ ngày 25/4/2009 đến nay có 349.112 hành khách nhập cảnh từ Mỹ, Mexico, và một số quốc gia nguy cơ khác, phát hiện 63 trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1, đã tổ chức cách ly và xét nghiệm kịp thời, kết quả đều âm tính với cúm A/H1N1.

Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, vì lượng hành khách nhập cảnh Việt Nam lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các khu vực có dịch trong đó có thể có bệnh nhân cúm A/H1N1 chưa biểu hiện bệnh.

Trong khi đó, vùng dịch trên thế giới ngày càng tăng, do đó số người cần phải cách ly ngày càng nhiều, hiện tại, các điểm cách ly không thể đáp ứng được với nhu cầu gia tăng nhanh, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, người cách ly có quốc tịch từ nhiều quốc gia, nhiều thành phần khác nhau, do đó nhu cầu và yêu cầu sinh hoạt ăn uống cao, nếu không đáp ứng sẽ khó khăn trong việc thực hiện cách ly 7 ngày theo quy định.

Trong trường hợp dịch cúm xâm nhập vào Việt Nam, nhu cầu kinh phí để triển khai các hoạt động chống dịch là rất lớn, đặc biệt cho các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và truyền thông tại cộng đồng. Tuy nhiên đến nay, lượng kinh phí chưa đáp ứng đủ nhu cầu chống dịch.

Trước khó khăn trên, Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị, địa phương được bố trí và có ngân sách chi cho các hoạt động chẩn đoán, cách ly bắt buộc tại cơ sở khám, chữa bệnh. Đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Công an cửa khẩu, Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam thông báo sớm hành khách đi từ vùng dịch về Việt Nam cho Bộ Y tế để kịp thời theo dõi các trường hợp nguy cơ cao.

Hồng Hải