1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Về dịch cúm A H1N1:

3 vấn đề cấp bách, 3 sự thật cần đối mặt

(Dân trí) - Dịch cúm lợn đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên toàn thế giới. 3 điểm cấp bách cần làm là: xét nghiệm, điều trị và chế vacxin. Một điều quan trọng không kém nữa: phân tích 3 sự thật về dịch bệnh này để có phương án đối phó.

177 người chết, 13 nước khẳng định có dịch

Theo số liệu thống kê đến sáng nay, 1/5 (giờ Việt Nam), dịch bệnh đã khiến 176 người thiệt mạng ở Mexico và một người ở Mỹ. Số trường hợp được xác định nhiễm bệnh trên toàn cầu đã tăng gần như gấp đôi, lên 247 trong 24 giờ qua. Trong đó, riêng tại Mỹ, số ca được xác nhận nhiễm cúm lợn đã từ 68 tăng lên 109 ở 16 bang.

13 nước thông báo xác nhận các ca nhiễm chủng cúm H1N1, trong đó mới nhất là Hà Lan và Thuỵ Điển. Như vậy, dịch bệnh xuất hiện gần như khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, Canada, Costa-Rica, Peru ở châu Mỹ , Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ ở châu Âu, Israel ở Trung Đông đến tận châu Đại Dương xa xôi ở nam bán cầu với New Zealand đã có nhiều trường hợp lây nhiễm.

Ở châu Á, Hồng Kông và Hàn Quốc thông báo tổng cộng 9 trường hợp đáng ngờ, trong đó có một bệnh nhân Hàn Quốc gần như là chắc chắn.
 
3 vấn đề cấp bách, 3 sự thật cần đối mặt  - 1

Chính phủ liên bang Mexico tạm ngưng các hoạt động không thiết yếu, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà

3 vấn đề cấp bách: 

Thứ nhất là xét nghiệm. Theo ông Vincent Enouf, thuộc viện Pasteur, phải cần đến một tuần mới có thể hoàn thành một xét nghiệm thực sự hiệu quả cho bệnh nhân cúm lợn. Lý do đơn giản là việc này đòi hỏi phải nắm trong tay chủng virut của căn bệnh này. Chủng virut này chưa được phân phát đến các cơ quan hữu trách các quốc gia.

Thứ hai là điều trị. Theo các chuyên gia, ngày nay chỉ có 2 loại thuốc là Tamiflu và Relenza có đủ khả năng trị bệnh cúm lợn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo mỗi nước phải lập tức trang bị cho mình ít nhất là một lượng thuốc đủ để điều trị cho 10% dân số. 

Cuối cùng là vacxin. Các khoa học gia đang ngày đêm làm việc nhằm tạo ra thuốc chủng ngừa chống lại loại virut mới này, nhưng chính họ cũng thừa nhận phải cần từ 4 đến 6 tháng mới có thể chế tạo được vacxin. Trong khi đó, câu hỏi bao giờ mới có đầy đủ vacxin cho mọi người trên hành tinh, bất kể giàu nghèo, thì chưa có lời giải. Nhưng có một sự thật rằng nếu đại dịch xảy ra nay mai, vacxin, nếu có, cũng sẽ rất muộn màng.

Điều đáng lưu ý là loại thuốc chủng ngừa loại cúm theo mùa có sẵn đang được sản xuất cho mùa cúm sắp tới không có hiệu quả đối với H1N1.

3 sự thật về cúm lợn

Thứ nhất là về virut cúm A/H1N1: Theo các nhà siêu vi học, virut A/H1N1 được phân lập tại Mexico tuy là virut cúm H1N1, nhưng cấu trúc rất khác các chủng H1N1 ở người và lợn. Loại virut biến dạng này chứa các loại gien cúm lợn, cúm gia cầm và cúm người.

Theo ông Andrew Pekosz, một chuyên gia về sinh học phân tử tại Trường Y tế công cộng thuộc Đại học John Hopkins, người ta không biết gì nhiều về loại virut H1N1 gây ra cúm lợn đang phát sinh tại nhiều nước. Virut cúm lợn là virut cúm loại A gây nên những triệu chứng hô hấp từ nhẹ đến nặng, và khi trầm trọng có thể gây chết người. Virut này lại lây lan dễ dàng từ người sang người. Ông Pekosz nói không một ai có tính miễn nhiễm đối với virut cúm lợn, là loại virut được cấu thành bởi những yếu tố gien từ lợn, người và chim.
 
Ông Pekosz cho biết: “Đây là một loại virut mới mà những đặc tính sinh học chúng ta còn chưa biết rõ. Và với bệnh cúm, các tư liệu cho biết những giống khác nhau có những khả năng khác nhau khi gây bệnh cho người và giống vật. Và ngay bây giờ, chúng ta đang có những tín hiệu lẫn lộn về khả năng gây bệnh của loại virut này.”

Tuy nhiên, theo bà Kathy Neuzil thuộc tổ chức PATH, một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá việc khai triển thuốc chủng, điều đáng mừng là việc phân tách các phân tử virut cúm lợn cho thấy virut này là cùng một tác nhân gây bệnh trên toàn thế giới. “Đây không phải là loại virut luôn biến dạng; chúng ta thấy cùng một loại virut đang được cách ly tại Mexico và tại những nơi khác nhau ở Mỹ.”

Thứ hai là về mức báo động 5: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa khẩn cấp nâng báo động lên cấp 5 mà theo thuật ngữ của giới dịch tễ học là “tổng động viên” chuẩn bị đối phó với “chiến tranh siêu vi” không tránh khỏi, mức thứ 6, cấp độ cuối cùng của “chiến tranh toàn diện”.

Ở cấp 5 này, các quốc gia có dịch  tùy nghi quyết định giới hạn đi lại, kể cả giải pháp đóng cửa trường học và các cơ quan công cộng hoặc điều chỉnh giờ làm việc để tránh bớt sự chung đụng trong sinh hoạt hàng ngày. Những người bị bệnh hô hấp được yêu cầu tránh ra khỏi nhà. Các chính phủ phải phân phát thuốc chống virut và chế tạo thuốc ngừa cúm. Tại những nước chưa bị dịch, tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc kêu gọi lập hệ thống kiểm soát y tế ở phi trường, cửa khẩu.

Mức độ 5 cũng có nghĩa không một vùng nào là an toàn, việc tổng huy động liên quan đến mọi quốc gia. Nếu WHO chuyển sang mức báo động 6 thì có nghĩa là đại dịch đã xuất hiện rồi, khi đó sẽ còn rất ít thời gian để chuẩn bị.

Thứ ba, là khả năng đối phó ở những nước nghèo và nước giàu: Một chuyên gia nổi tiếng của Pháp, giáo sư vi sinh học ông Patrick Berche đã nói lên nỗi lo ngại truớc đà lây lan rất nhanh chóng của virut H1N1 này. Sức tàn phá của loại virut mới đang khiến cho loài người phải đứng trước ngưỡng đại dịch. Theo ông  Patrick Berche, trong khi các nước giàu đã được trang bị đầy đủ thuốc men và hạ tầng cơ sở để đón nhận đông đảo bệnh nhân và điều trị cho họ, thì các nước nghèo có nguy cơ bị thiệt thòi nhất, vì không đủ phương tiện để đối phó. Tuy nhiên, ngay tại các quốc gia giàu có như nước Pháp, không phải dễ dàng tiến hành 3 bước cơ bản để phòng chống hiệu quả đại dịch cúm lợn, nếu chẳng may, đại họa này xẩy ra nay mai.

Nguyễn Viết (Tổng hợp)