3 triệu người Việt bị COPD

(Dân trí) - Số người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng đang không ngừng gia tăng và hiện đứng hàng thứ tư trên thế giới về tỷ lệ tử vong.

Trong buổi sinh hoạt khoa học về COPD ngày 28/11/2006, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: nguyên nhân của sự gia tăng bệnh COPD là do gia tăng về ô nhiễm môi trường và nạn hút thuốc lá trong cộng đồng dân cư.

 

Theo một khảo sát mới đây của Bộ Y tế, tỷ lệ người mắc COPD chiếm đến 2% dân số trên 40 tuổi ở nội thành Hà Nội và 5,56% ở khu vực ngoại thành, thành phố Hải Phòng. Chi phí trực tiếp cho hơn ba triệu bệnh nhân COPD trên toàn quốc, ước chừng đến 9.000 tỷ đồng.

 

Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, COPD là một bệnh có thể dự phòng và điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng. Bệnh COPD với biểu hiện đặc trưng là sự hạn chế không khí vào phổi và không có khả năng phục hồi hòan toàn. Sự hạn chế không khí vào phổi thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường ở phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Một trong các yếu tố nguy cơ cao đối với COPD là khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường và nhiễm trùng đường hô hấp.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1990 tỷ lệ mắc COPD trên tòan thế giới ước tính khoảng 9,34người/1000nam và 7,33người/1000nữ. Khi đó, COPD là bệnh gây tử vong xếp hàng thứ sáu với 2,2 triệu người chết/năm.

 

Theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh này sẽ tăng 3 - 4 lần trong thập kỷ này, gây nên 2,9 triệu người chết/năm. Đến 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho biết, trong 12 nước Châu A Thái Bình Dương, Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với 6,7% dân số. 

Hồng Hải