100 tấn nước mắm Miwon Hải Ngư đóng cặn

Nước mắm Miwon Hải Ngư được quảng cáo là nước mắm “sạch với ba màng siêu lọc, công nghệ hiện đại, loại trừ mọi vi khuẩn gây hại”, song sự thực có giống như những lời quảng cáo hoa mỹ đó không?

Hai chai nước mắm anh Tú mua về đóng cặn trắng ở dưới

Hai chai nước mắm anh Tú mua về đóng cặn trắng ở dưới
Theo phản ánh của anh Lê Anh Tú (số 18 ngõ 317 phố Bùi Xương Trạch, Hà Nội), vì tin theo lời quảng cáo, muốn chọn cho gia đình sản phẩm an toàn, thấy nước mắm Miwon Hải Ngư quảng cáo là được sản xuất “sạch với ba màng siêu lọc, công nghệ hiện đại, loại trừ mọi vi khuẩn gây hại”, vợ chồng anh đã mua nước mắm Miwon Hải Ngư làm gia vị cho bữa cơm thường ngày.

 

Vào tháng 6/2012, anh Tú đã mua một lô sản phẩm 03 chai Miwon Hải Ngư ở siêu thị BigC về dùng dần. Tuy nhiên, ngày 29/6 khi sử dụng đến chai nước mắm thứ hai thì anh Tú phát hiện chai này và cả chai nước mắm còn lại đều kết tủa trắng dày đặc ở đáy chai. Trên nhãn mác các chai này ghi ngày sản xuất là 07/4/2012 và hạn sử dụng 07/4/2013.

 

Ngay sau đó, anh Tú đã liên hệ tới phòng chăm sóc khách hàng của Công ty TNHH Miwon Việt Nam. Đại diện nhà sản xuất trả lời vài câu chung chung và hẹn sẽ xem xét. Đợi hơn một tháng, nhưng anh Tú vẫn không thấy phía Miwon cử người tới xem xét hay liên hệ lại với anh.

 

Bất bình với thái độ của Miwon, anh Tú tiếp tục liên hệ thì lại nhận được sự giải thích qua quýt từ phía Miwon là do màng lọc của lô nước mắm này bị rách đồng thời hẹn “sẽ cử người tới xem xét”. Tuy nhiên, sự việc diễn ra từ ngày 29/6 cho đến 02/8, anh Tú vẫn không nhận được phản hồi từ phía Công ty TNHH Miwon Việt Nam. Anh Lê Anh Tú đã làm đơn gửi báo.

 

Sau khi nhận được phản ánh của anh Tú, ngày 7/8, phóng viên đã có buổi làm việc với Miwon. Bà Nguyễn Quỳnh Yến Nga, phòng Quản lý sản phẩm, người được Công ty TNHH Miwon Việt Nam cử làm việc với phóng viên, thừa nhận quy trình sản xuất của nhà máy có vấn đề. Theo bà Nga, nguyên nhân phát sinh cặn ở chai nước mắm mà

anh Tú đã mua phải là do lô hàng đó sử dụng muối đầu vào bằng nguyên liệu có hàm lượng canxi không đồng đều. “Vừa qua khan hiếm muối ngoại, chúng tôi đã sử dụng nguồn muối từ trong nước, không kiểm soát được hàm lượng canxi”, bà Nga nói.

 

Cũng theo bà Nga, lô hàng nước mắm đóng cặn trong đó có 3 chai anh Tú đã mua phải có số lượng 100 tấn, “Miwon đã phong tỏa để xử lý, tuy nhiên, có một số đã được bán ra thị trường, có khách hàng đã mua phải, điều này thực sự đáng tiếc”.

 

Theo văn bản số 1067 của Miwon trả lời khiếu nại của anh Tú ký ngày 16/7 (nhưng tới ngày 6/8, sau khi phóng viên báo Thương hiệu & Công luận liên hệ làm việc với Miwon, anh Tú mới được cung cấp) thì: “Khi sản xuất can-xi kết hợp với thành phần của nước mắm tạo thành can-xi citrate kết tủa thành cặn”. Trong văn bản viết: “Cặn phát sinh trong nước mắm hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tuy nhiên về mặt mỹ quan thì không nên để phát sinh cặn”. Văn bản cũng khẳng định biện pháp khắc phục là “Nhà máy sẽ dùng muối tinh khiết nhập khẩu có hàm lượng can-xi rất nhỏ để thay

thế nguồn muối sản xuất trong nước”.

 

Dù đến nay, Công ty TNHH Miwon Việt Nam đã thừa nhận chất lượng sản phẩm của mình có vấn đề, nhưng anh Lê Anh Tú cho rằng, thái độ giải quyết của nhà sản xuất là không thể chấp nhận được. “Khi nhận được thông tin khiếu nại, nhà sản xuất không một lần gặp gỡ, không điện thoại, trả lời qua quýt, thiếu trách nhiệm. Chỉ đến khi có cơ quan báo chí vào cuộc, họ mới chủ động hẹn gặp tôi để xin lỗi. Điều đó cho thấy Miwon không nhiệt tình, không quan tâm, rất coi thường người tiêu dùng”.

 

Theo Đào Lưu

Thương hiệu & Công luận