10 cách tránh xa hóa chất

Hóa chất hiện diện trong ngôi nhà chúng ta đang sống, trong thực phẩm, trong nước uống, trong sản phẩm vệ sinh cá nhân, mỹ phẩm dùng hằng ngày và cả trong không khí nhưng chúng không chỉ là “người bạn thân thiết” với con người...

1. Tránh sử dụng sản phẩm có hương liệu vì chúng chứa các hóa chất tích lũy trong cơ thể. Ví dụ, chỉ sử dụng nước hoa vào những dịp đặc biệt; mở cửa sổ thay vì dùng nước hoa xịt phòng làm từ hóa chất; chỉ nên sử dụng các sản phẩm không có hương liệu (fragrance free).

 

Tại sao vậy? Có lẽ đây là mặt hàng đáng sợ nhất trong số các sản phẩm của công nghệ làm đẹp. Phần lớn phụ nữ sử dụng nước hoa thường xuyên nhưng điều mà nhiều người không biết là công nghiệp sản xuất nước hoa là công nghiệp… không có nguyên tắc. Lý do ngành này được luật pháp bảo vệ như vậy vì nhà sản xuất được quyền giữ bí mật thành phần hương liệu. Nhiều hóa chất có trong nước hoa dễ hấp thu vào da để từ đó tích lũy trong các cơ quan chính của cơ thể.

 

Trong khi chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về ảnh hưởng của nước hoa, một số bác sĩ và nhà khoa học tin rằng nước hoa có thể gây hại cho sức khỏe như khói thuốc lá, do 95% hóa chất sử dụng trong hương liệu là những hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các hợp chất này bao gồm dẫn xuất của benzene, aldehydes và nhiều chất độc khác có khả năng gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và dị ứng. Các mùi hương hóa chất này còn có thể tìm thấy trong nước hoa xịt phòng, khăn giấy, bột giặt, nước làm mềm vải…

 

2. Sử dụng sơn nước (water-based) thay vì sơn dầu (oil-based) vì loại này ít độc hơn.

 

Tại sao vậy? Không ít bột giặt, thuốc đánh bóng nền nhà, những chất tẩy rửa kiếng, gỗ, kim loại, lò nướng, nhà vệ sinh, các vết ố... chứa những hóa chất nguy hại như ammôniắc, axít sunfuríc, và axít phốtphoríc, kiềm, chlorine, formaldehide (phọoc-môn) và phenol..

 

Nhiều chất tẩy rửa thảm và đồ gỗ bọc vải chứa hóa chất độc hại nhằm đánh bật các vết ố có thể chứa perchlorethylene, một chất được biết có thể gây ung thư ở động vật từ những năm 1990. Nước rửa chén cũng độc hại với việc chứa một lượng lớn chlorine ở dạng đậm đặc, là chất gây độc nếu nhiễm vào bên trong cơ thể với liều lượng lớn.

 

3. Tránh sử dụng thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu trong nhà và vườn. Không đến gần những nơi mới xịt các loại thuốc này.

 

Tại sao vậy? Dầu gội trị chí chứa một liều lượng thuốc trừ sâu độc hại như organophosphates hoặc ngay cả lindane; khi nuốt phải hoặc ngấm vào da, có thể làm ói hoặc tiêu chảy; các chất này còn gây tổn hại cho gan, làm cho thai nhi chết non, quái thai và ung thư.

 

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu gia dụng để diệt mối, vòng cổ trừ bọ chét cho chó (mèo), thuốc xịt muỗi hoặc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, v.v... làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em. Một khảo sát được thực hiện bởi Viện Quốc gia về An toàn Nghề nghiệp và Sức khỏe Mỹ cho thấy 884 hóa chất được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân và mỹ phẩm là độc hại.

 

4. Giảm việc sử dụng nhựa nói chung; sử dụng ly, vật chứa bằng thủy tinh.

 

Tại sao vậy? Dioxin là một sản phẩm phụ của chlorine được Cơ quan Môi trường Mỹ (US-EPA) xác định là chất có khả năng gây ung thư. Formaldehide có thể hiện diện trong phần lớn các gia đình qua một số sản phẩm như sơn latex, vải, vật liệu bằng nhựa trong xe hơi và đồ gỗ. Đây là một trong các chất ô nhiễm, là hợp chất hữu cơ bay hơi và là một chất gây ung thư; gây kích ứng mắt, da và họng, cũng như gây triệu chứng cúm, nổi mề đay và các bệnh về thần kinh.

 

5. Cần lắp đặt một hệ thống thông gió hiệu quả tại gia đình và nơi làm việc.

 

6. Đeo găng tay hoặc khẩu trang khi sử dụng bất cứ vật liệu độc hại nào.

 

7. Thay thế thường xuyên bộ lọc bụi của máy điều hòa không khí cũng là biện pháp có ích.

 

8. Dinh dưỡng cần để hỗ trợ chức năng của các cơ quan liên quan trực quan đến việc giải độc: gan, đường ruột và thận là Vitamin A, B3, B6, C, E, beta carotene, amino acid L-cysteine và L-glutamine và một thành phần được biết dưới tên gọi glutathione và phospholipid là những chất hỗ trợ chức năng của gan.

 

Vitamin A, C, B6 và khoáng chất Mg, K hỗ trợ cho chức năng của thận. Thận cung cấp lộ trình chính để bài tiết chất độc thông qua nước tiểu, vì vậy cần uống ít nhất mỗi ngày 2 lít nước để cơ thể có thể được loại bỏ chất độc.

 

9. Cần ăn uống điều độ với nhiều thực phẩm tươi, tránh ăn thừa chất béo, đường tinh luyện và những thực phẩm có nhiều chất bảo quản, phụ gia.

 

Tại sao vậy? Tất cả các loại thực phẩm chế biến đều chứa các chất phụ gia độc hại ở mức độ khác nhau. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng tùy tiện trên thực phẩm chúng ta ăn và chúng có thể chứa những thành phần làm ảnh hưởng không chỉ đến hệ thần kinh của côn trùng mà còn đến sức khỏe của người ăn thực phẩm này.

 

Nhiều hóa chất trong thuốc trừ sâu không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể theo đường tiêu hóa, mà tích lũy trong các mô mỡ và có liên quan đến các bệnh về suy giảm chức năng. Ví dụ như organochlorine rất phổ biến trong thuốc trừ sâu, rất bền vững, không tan trong nước, có thể duy trì lâu dài trong cơ thể và môi trường.

 

10. Giảm trọng lượng sẽ có ích cho những ai thừa cân. Lượng chất béo dư trong cơ thể tạo ra một vị trí dự trữ sẵn sàng cho các độc tố ưa chất béo đi vào cơ thể. Một khi độc tố được lưu giữ trong cơ thể thông qua việc gắn kết với lượng chất béo thừa này sẽ rất khó loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể và chúng có khả năng trở thành nguồn độc tố duy trì liên tục trong cơ thể.

 

Theo Thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh

Sở Tài nguyên - Môi trường/SGGP

Dòng sự kiện: Kinh nghiệm - Bí quyết