TPHCM:

10 bác sĩ Trung Quốc “làm loạn” cả thành phố

(Dân trí) - Quảng cáo sai sự thật, không kê đơn bằng ngôn ngữ tiếng Việt, không có sổ theo dõi bệnh, “chặt chém” vô tội vạ… Chỉ với 10 y bác sĩ đăng ký hành nghề y học cổ truyền tại TPHCM nhưng 7 phòng khám có yếu tố Trung Quốc đã khiến dư luận điên đảo.

Điều trị ung thư tận gốc bằng phương pháp “bí truyền”; Liệu pháp đông y giúp tăng kích thước dương vật theo ý muốn; Thận hư, xuất tinh sớm chỉ cần điều trị 1 đến 2 liệu trình kết quả sẽ như mong muốn; Phá thai bằng phương pháp siêu dẫn trong 3 phút; Trị tận gốc tiểu đường, sỏi thận… Để dụ người bệnh các phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc đã thi nhau nổ. Khi con mồi “sập bẫy” họ thả sức “chặt chém” nhưng thực tế điều trị thì “làm như mèo mửa”.

Trước thực trạng “quăng bom” thái quá của các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc bị báo chí “vạch mặt” gây bức xúc trong dư luận, ngày 5/10 Sở Thông tin Truyền thông đã có công văn gửi Sở Y tế đề nghị cung cấp thông tin về công tác quản lý hoạt động của các phòng khám này.

10 bác sĩ Trung Quốc “làm loạn” cả thành phố - 1
Các phòng khám có yếu tố Trung Quốc "nổ" sai sự thật để câu khách

Ngày 14/10, Sở Y tế có văn bản phúc đáp cho biết: “Hiện, các nhà đầu tư, y, bác sĩ Trung Quốc đã đăng ký hành nghề khám chữa bệnh tại 07 phòng chẩn trị trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 2 phòng chẩn trị do các nhà đầu tư y bác sĩ Trung Quốc đăng ký hành nghề, 5 phòng chẩn trị có các y, bác sĩ Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh”.

Hiện tại chỉ có 10 y, bác sĩ Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn TPHCM. Trong đó có 8 y, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền tư nhân, với hình thức hành nghề là đăng ký phòng chẩn trị. Có 2 bác sĩ được cấp giấy phép làm công tác chuyên môn tại các phòng chẩn trị tư nhân (chỉ được khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở đã được cấp phép hoạt động có vốn đầu tư trong và ngoài nước).

Theo thông tin từ Sở Y tế, hàng năm, Sở đều tổ chức thanh kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất  các cơ sở hành nghề y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc sau khi các cơ sở này được cấp phép hoạt động. Việc kiểm tra nhằm mục đích đảm bảo cơ sở duy trì các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn và thực hiện phạm vi chuyên môn. Tuy nhiên, vấn đề giá khám chữa bệnh và những quy định về truyền thông, quảng cáo đã bị thả nổi nên các cơ sở này đã hò nhau “nổ như lựu đạn” về các loại “thuốc thánh” và phương pháp chữa trị “bí truyền”.

Sau khi bị báo chí “vạch mặt” về sự gian trá, giả dối “mị dân” của các phòng khám có yếu tố Trung Quốc, ngành y tế mới lật đật “hậu kiểm” theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Kết quả của việc thanh kiểm tra thì thật trớ trêu bởi đụng đến đâu thấy sai đến đó.

Tất cả 7 phòng khám có tính chất Trung Quốc được kiểm tra đều mắc các lỗi rất sơ đẳng như quảng cáo khi chưa có phiếu tiếp nhận hoặc quảng cáo không đúng với nội dụng được phê duyệt của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định; Không thực hiện kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ tiếng Việt; Bảng hiệu cơ sở không đúng quy định; Không có sổ sách theo dõi bệnh nhân đến khám và điều trị, không lưu sổ kê đơn thuốc…

Tuy nhiên, tổng số tiền phạt các phòng chẩn trị đông y có yếu tố Trung Quốc chẳng khác nào “phủi bụi”. Với đầy những lỗi kể trên, nhưng 7 phòng khám vi phạm chỉ bị phạt tổng cộng 72.400.000 đồng (tính bình quân mỗi phòng hơn 10 triệu đồng).

Các phòng khám y học cổ truyền có yếu tố Trung Quốc đã có mặt trên địa bàn TPHCM gần 10 năm nay, việc quảng cáo “nổ hơn kho đạn” cũng diễn ra rầm rộ trên các phương tiên truyền thông, điều trị chẳng ra gì nhưng bệnh nhân vẫn bị “chặt chém” không thương tiếc…

10 bác sĩ Trung Quốc “làm loạn” cả thành phố - 2
Mỗi bệnh nhân là một con mồi ngon cho các phòng khám tai tiếng này (ảnh internet)

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại họ vẫn còn mắc những lỗi quá sơ đẳng nêu trên, nguyên nhân xuất phát từ đâu? Hàng trăm câu hỏi đã được đặt ra: Lẽ nào người Trung Quốc hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam vẫn không cần biết đến luật pháp Việt Nam? Phải chăng từ trước đến nay cơ quan quản lý về y tế bỏ ngỏ việc thanh kiểm tra, giám sát tại các cơ sở này hay công tác kiểm tra chỉ tiến hành cho đủ bộ lệ? Các quy định, chế tài quản lý về y học cổ truyền đã đủ chặt chẽ?

Thừa nhận thực tế việc quảng cáo sai sự thật của các phòng khám có yếu tố Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế thành phố kiên nghị: “Cần có quy định rõ ràng với mức xử lý đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về quy chế chuyên môn, quảng cáo sai sự thật…”.

Bên cạnh đó, giám đốc Sở Y tế đề nghị các cơ quan truyền thông không thực hiện quảng cáo liên quan đến khám chữa bệnh của các cơ sở khi chưa có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung quảng cáo.

Vân Sơn