Xóa vòng luẩn quẩn "chạy công chức" - Việc chẳng của riêng ai

(Dân trí) - Nguyễn Đức Việt tô đậm “cái vòng” đó trong phản hồi của mình sau khi đọc blog Đại họa đằng sau 100 triệu đồng…của tác giả Lê Chân Nhân. Đó là: “Chạy công chức > Mất tiền > lấy tiền đâu để bù số tiền chạy công chức > Tham nhũng, vơ vét...

Quy trình tìm cửa
 

Quy trình... tìm cửa
 

Chẳng có vấn nạn nào khiến dân không nhức nhối, nhưng càng tệ hại hơn nữa khi dân tin rằng chẳng ai là không biết mức độ nguy hại của tệ nạn, nhưng giới chức có quyền lực, có vị trí để xóa bỏ nó thì lại… không thấy, không rõ. Còn dân luôn thấy rõ, luôn phải lãnh đủ hậu quả thì lại chẳng có thể làm gì hơn là… đành phải chấp nhận cũng nhằm để mở được những cánh cửa mình cần đi qua...

 

Bởi thế nên đã là người VN thì phải quen với những thực tế vô lý mà vẫn có lý ở ta, như Nguyen Huu Vinh liệt kê danh sách song song với câu hỏi chất vấn:

 

Khi xin được bất cứ một việc gì từ giáo viên vào biên chế, rồi y tá bệnh viện công, đi lao động nước ngoài, một chân trong tổ chức công quyền... nhiều người dân đều hỏi nhau: Chạy cửa nào đấy, hết bao nhiêu? Chuyện này xưa như Trái Đất rồi, ai cũng biết - từ dân đến quan chức. Nhưng sửa như thế nào, ai sửa thì còn phải bàn dài dài???

 

Nguyễn Minh Tưởng có ngay giải thích cùng câu trả lời cụ thể:

 

Công chức bao gồm những lĩnh vực gì??? Giáo dục, y tế, các cơ quan công quyền...(quá nhiều không thể kể hết ra được). Với thực trạng chạy chức, chạy quyền (hay đúng hơn là mua…) đã tồn tại quá lâu và gây tác hại một cách rất rõ đến xã hội ta hiện nay, thử hỏi làm sao mà nước ta có thể phát triển nhanh được??? Những tệ nạn đó dân biết, các nhà quản lý, ban hành chính sách cũng biết, nhưng làm sao để ngăn chặn đây???? Câu hỏi đó chỉ có những người làm công tác quản lý mới trả lời được!

 

Hungtini2003 xoáy vào một “điểm nóng” vẫn ngang nhiên tồn tại, tiềm ẩn những nguy cơ rất đáng quan ngại cho tương lai đất nước:

 

Tôi dám chắc là Lê Chân Nhân cũng như mọi người biết chuyện này lâu rồi, nhưng tác giả viết bài này nhân chuyện ông Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Thành ủy HN phát ngôn chính thức thôi. Cái nguy hiểm của việc này thì tác giả cũng nói hết rồi. Chúng ta phải thừa nhận, sự phát triển về trình độ và nhân cách của công chức không theo kịp sự phát triển và yêu cầu của xã hội... Đây là một điểm nóng cần được để mắt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chứ không chỉ riêng các vụ án kinh tế.

 

La muốn cân đo đong đếm cụ thể hơn độ nóng của tệ nạn:

 

Cảm ơn Lê Chân Nhân đã mạnh dạn nói lên những ý kiến trên. Chuyện chạy tiền để có một công việc, được làm người nhà nước là khá phổ biến hiện nay. Có ai thống kê được có bao nhiêu phần trăm công chức, viên chức hiện nay khẳng định mình xin được việc bằng chính năng lực của mình không? Làm sao để chống được tham nhũng đây?

 

Ngọc An nêu con số và “mật báo” địa chỉ cụ thể cho lực lượng chống tham nhũng:

 

Tính trung bình 150 triệu một suất nhân với số lượng biên chế phải chạy, thì mỗi vị có mà dư sức mua vài cái nhà cao cấp ở Hà Nội, vài cái xe sang…. Tiền xây nhà to, xe đẹp cũng từ đây mà ra chứ đâu... Lực lượng chống tham nhũng đâu rồi ạ????

 
(minh họa, theo: isos.gov.vn) 
(minh họa, theo: isos.gov.vn) 
 

Có một dạng đấu thầu như thế

 

Địa chỉ đã rõ, con số cụ thể cũng đã được phía cần biết “nghe nói”. Còn về thủ đoạn thì cũng đâu có gì tinh vi, phức tạp…Phạm Xuân Trường cung cấp nhanh ví dụ về một kiểu đấu thầu rất lạ.

 

Bài viết của bạn Chân Nhân đã nêu đúng và khá đầy đủ các biểu hiện của tệ nạn mua biên chế, chạy chức của công chức hiện nay. Ở chỗ tôi người ta hay gọi là "đấu thầu" vì nó được chọn theo tiêu chí cơ bản là ai trả nhiều tiền hơn là thắng . Và nguy hiểm là người mua, người bán khá công khai. Cái hay của bài viết là đã chỉ ra việc mua biên chế, chạy chức chạy quyền là căn nguyên cơ bản của nhiều sự yếu kém, tham ô tham nhũng, nhũng nhiễu phiền hà như hiện nay. Một vấn đề nữa là nó không chỉ tồn tại ở chỉ hệ thống công quyền mà hiện nay, mà căn bệnh này đã lây sang cả nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp cổ phần...

 

Nguyễn Hoàng Hơn thêm một lần nữa có cái nhìn xa hơn tấm thảm đỏ mời gọi nhân tài:

 

Chính sách trải thảm đỏ cũng có, nhưng những người thực sự có tài mà vào được rồi lại mới thấy ân hận vì: Những vị trí thực sự cần đến họ thì họ không được tiếp cận. Họ chỉ làm những công việc lẽ ra chỉ xứng cho những người không cần có chất xám như họ. Ở tỉnh tôi, một giáo sinh ra trường để được bố trí vào biên chế giảng dạy ở một trường nào đó hệ THCS (ở huyện thì vài chục triệu đến dăm chục triệu, ở TP thì gấp rưỡi). Nghịch lý thay ở thành phố thiếu giáo viên, nhưng giáo viên ở các huyện xin về thành phố thì mất khoảng 50-80 triệu đồng tuỳ mối quan hệ và nơi đến công tác. Mặc dù thiếu nhưng chưa bao giờ giáo viên được miễn phí.

 

Dẫn chứng cho tệ nạn luôn ê hề từ cộng đồng, từ xã hội ở bất kỳ đâu. Nhưng càng đáng buồn hơn khi nó được “lẩy” ra từ ngành Giáo dục cao quý. Từ chính những đại diện thế hệ trẻ vừa rời ghế nhà trường với trái tim đầy nhiệt huyết và khát vọng được làm việc, được chứng tỏ năng lực của mình để làm được một cái gì đó cho quê hương, đất nước…

 

Nong thon: Chạy vào công chức như giáo viên chúng cháu cũng phải mất 100 triệu đồng mà chúng cháu học ở trường đại học sư phạm HN ra. Nhà chúng cháu ở nông thôn đâu có nhiều tiền như vậy, đành lòng chúng cháu đi làm công ty để nuôi sống bản thân và gia đình...
 

Phương Linh: Vợ tôi hiện là giáo viên cấp ba ở huyện, đã có biên chế. Vậy mà để chuyển ra ngoài thị xã, đi nhờ mấy chỗ, chỗ nào cũng đòi không dưới 150 triệu, thậm chí có chỗ nói không dưới 200 triệu.... Thật là kinh khủng!!!

 

Hồ Nhi: Bạn tôi làm giáo viên dạy tại một trường vùng sâu, đã 6 năm liền phải xa chồng, xa con. Đến lúc đủ điều kiện để được về lại thành phố thì phải mất 100 triệu đồng. Đây là cái giá đã được lập trình sẵn, nếu không có tiền thi đừng mong sẽ về thành phố. Mất 100 triệu đồng nhưng không được dạy tại thành phố, mà chỉ được dạy tại trường ven đô của thành phố. Bây giờ đi xin việc trước tiên phải có thật nhiều tiền, sau đó nhờ mối quan hệ mới mong có được việc. Dù anh có tốt nghiệp loại giỏi cũng chưa chắc đã được bố trí cho một công việc theo ý của mình. Tôi thấy UBND tỉnh nào cũng rải thảm đỏ để mời gọi nhân tài về làm việc, nhưng cơ chế để người tài được làm việc thì vẫn trời ơi đất hỡi lắm!

 

Không có ngoại lệ
 

Tệ nạn không tự nhiên mà có, cũng không thể chỉ tự một bên Cung không có Cầu mà thành được. Ai cũng quay lưng với các hành vi tiêu cực, ai cũng không tham gia vào những cuộc chạy đua chẳng liên quan gì tới thể thao và rất không lành mạnh đó, thì chẳng lẽ các “nhà tổ chức” và “trọng tài” thi công chức chạy với nhau?

 

Người tốt trong xã hội vẫn chiếm số đông, ai cũng có chung mong muốn xã hội phát triển văn minh, hiện đại, dân giàu, nước mạnh…Vậy chẳng ai là ngoại lệ trong việc hình thành nên tệ nạn nhiều như hiện nay, ai cũng cần tự xác định cho mình trách nhiệm phòng chống tiến tới xóa bỏ những cái vòng luẩn quẩn mang tên tệ nạn đó:

 

Nói như Le Thi Den: Cái giá đấy (100 triệu đồng) còn rẻ đấy. Mua bán công việc đã trở thành một điều bình thường, nhưng cũng chẳng ai nói, cũng không có thông tin chính xác để nói. Tôi nghĩ, chống tham nhũng đầu tiên cần bắt đầu từ việc đảm bảo việc thi tuyển công chức sao cho khách quan.

 

Anh nhấn mạnh: Tôi thấy chúng ta thường kêu nhiều nhưng chưa ai đưa ra được giải pháp cụ thể. Nên chăng thay vì phàn nàn, hãy rèn luyện tính tư duy bằng cách suy nghĩ và đưa ra giải pháp để làm cho xã hội chúng ta tốt đẹp hơn. Đối với cá nhân tôi, giải pháp này như sau: (i) Thành lập trung tâm thi tuyển đầu vào độc lập - có thể là tổ chức của nhà nước hoặc công ty cổ phần, khoán gọn cho các tổ chức này làm. Quy định trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Công khai các kết quả thi trên webside để minh bạch.  (ii) Công khai hóa các nhu cầu tuyển dụng tại các cơ quan, tổ chức. Cảm ơn nhiều.

 

Viet Minh007 đề xuất: Vấn đề này tựu trung lại cũng là tham nhũng. Vậy cách giải quyết là gì? Tôi có ý kiến sau : - Bước 1 : Tập trung vào giáo dục, từ bậc tiểu học đến đại học. Dạy các em biết sống độc lập, có ý chí xây dựng đất nước. Cần nói cho các em biết đất nước ta còn nghèo, phải cố gắng mới theo kịp và vượt qua các nước khác. - Bước 2 : Giáo dục tuyên truyền về lối sống xây dựng hướng về tương lai, vì cái chung, vì thế hệ trẻ, vì đất nước (sự toàn vẹn lãnh thổ, sự phát triển của đất nước......) - Bước 3 : Các biện pháp hành chính và hình sự. Xin cảm ơn! 

 

Vu Gia tổng kết: Bài viết tuyệt hay. Đây là nỗi lo của những con người chân chính. Còn giải quyết vấn đề này chỉ có Toàn Dân mới có thể làm được thôi!!!

 

Trần Công Minh gửi 1 thông điệp riêng cho thế hệ trẻ: Mong các bạn sinh viên hãy lên tiếng vì đây là quyền lợi chính đáng của các bạn. Không thể lép vế mãi với các thành phần "con ông cháu cha" dùng tiền và quan hệ được nữa. Khi dư luận đủ lớn mọi thứ sẽ thay đổi. Chẳng có lý do gì nhà nước tổ chức được kì thi ĐH nghiêm túc, mà lại không thể tổ chức được kì thi công chức nghiêm túc!

 

Để xóa bỏ những cái vòng luẩn quẩn như vậy rõ ràng không phải là việc quá khó, mà rào cản chính có lẽ vẫn là ở ý thức, tư duy của con người mà thôi. Ai cũng cứ nghĩ đó là việc của người khác, còn mình không có vai trò hoặc trách nhiệm gì thì chỉ còn cách… sống chung với lũ - tệ nạn (!!!???)

 

Khánh Tùng