Xem xét điều chỉnh để ca học chiều kết thúc lúc 18h

(Dân trí) - “Đổi giờ không phải phép thần. Không thể chỉ với đổi giờ mà hết ùn tắc mà cùng với đó Hà Nội phải thực hiện nhiều nhóm giải pháp cả trước mắt và lâu dài mới cải thiện được tình hình giao thông”.

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều tối qua (7/2). Ông Hùng cho biết thêm, qua một tuần thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm trên địa bàn, dù giao thông đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thể nói chính xác về tính hiệu quả của phương án đổi giờ. Cần thêm thời gian triển khai mới biết được cụ thể hiệu quả tới đâu.

Điều chỉnh giờ kết thúc ca chiều

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng nói: “Chiều ngày 6/2, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy đã tổ chức họp với Hội đồng Nhân dân, UBND thành phố cùng với các cơ quan chức năng, rà soát đánh giá, tiếp thu và điều chỉnh có sự chỉ đạo. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là những cái gì tốt thì phát huy, còn những mặt nào chưa được thì cần phải khắc phục ngay để đảm bảo giảm những ảnh hưởng tối đa đến cuộc sống của người dân”.
 
Xem xét điều chỉnh để ca học chiều kết thúc lúc 18h  - 1

Sẽ xem xét, điều chỉnh giờ kết thúc ca chiều của học sinh THPT vào lúc 18h

Được biết tại cuộc họp chiều ngày 6/2, sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, đã yêu cầu UBND TP Hà Nội xem xét điều chỉnh lại thời gian tan học của cấp THPT lên 18h, thay vì 19h giờ như hiện nay.

“Điều chỉnh giờ học, giờ làm, giờ kinh doanh chỉ là một trong nhiều biện pháp mà Hà Nội đang triển khai thực hiện nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Vì vậy đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó, để khi không đạt được kỳ vọng lại đánh giá biện pháp này thất bại. Như vậy là không đúng” - ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Lãnh đạo thành phố cũng đánh giá có nhiều trường học áp dụng quá máy móc việc điều chỉnh giờ học, như chỉ học ba tiết buổi chiều nhưng vẫn bắt học sinh phải ngồi thêm hai tiết nữa mới được về.

“Việc học xong sớm nhưng vẫn phải đợi đến đúng giờ quy định mới cho học sinh về là cách thực thi máy móc, không đúng tinh thần của TP. Đó là vì các sở, ngành liên quan hướng dẫn chưa rõ ràng nên mới dẫn đến tình huống như vậy” - ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc khi nào sẽ chính thức điều chỉnh giờ học ca chiều của cấp THPT, ông Hùng cho hay: “Việc chuyển giờ tan học cấp THPT thành 18 giờ sẽ được áp dụng ngay khi UBND TP ra quyết định. Thành phố cũng đang xem xét việc các trường học ở hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm vốn không bị ùn tắc giao thông nhưng cũng phải bị điều chỉnh giờ học, giờ làm có phù hợp không”.

Năm 2012: Thêm nhiều giải pháp chống ùn tắc

Cũng tại cuộc họp giao ban báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, trong năm 2012 ngành sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để chống ùn tắc giao thông như tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng; Phát triển vận tải hành khách công cộng; Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân…

“Sau khi tăng khung giờ phục vụ cao điểm, số lượng xe buýt đã tăng thêm được hơn 700 chuyến, như vậy đã vận chuyển thêm được 60-70 nghìn lượt hành khách. Tín hiệu đáng mừng là giảm bớt các hiện tượng quá tải, nhồi nhét hoặc bỏ chuyến/lượt do ùn tắc trong giờ cao điểm. Sở dĩ việc xe buýt có sự “chuyển mình” như vậy là do khung giờ cao điểm đã được giãn dài ra để phù hợp với đổi giờ”- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm.
 
Xem xét điều chỉnh để ca học chiều kết thúc lúc 18h  - 2

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội trao đổi và trả lời báo chí xung quanh tình hình
giao thông của thủ đô

Trước sự quan tâm của các phóng viên về việc Hà Nội sẽ tiến hành, khảo sát, nghiên cứu để đề xuất thực hiện thí điểm hạn chế lưu thông một số phương tiện cá nhân (xe máy, taxi, xe con) hoạt động trên các trục đường chính hoặc trên các tuyến vành đai vào giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc giao thông và gián tiếp hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, Giám đốc Sở GTVT tiết lộ: “Ngày 6/2, thành phố mới có văn bản giao cho Sở GTVT chủ trì nghiên cứu lập đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối với các cơ quan của Bộ GTVT để lập đề án nghiên cứu một cách cụ thể. Đây là một đề án khoa học nghiên cứu tổng thể trong một thời gian, do đó Sở cũng sẽ phối hợp thêm với các cơ quan tư vấn như ĐH Giao thông Vận tải…”.

Liên quan việc Hà Nội cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố, lãnh đạo Sở GTVT cho hay, đây là kết quả của tờ trình liên ngành giữa Sở và Công an thành phố sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá và từ đó đề xuất ra các điểm được phép và không được phép trông, đỗ xe để đảm bảo an toàn, chống ùn tắc. Sau khi thành phố phê chuẩn hai ngành sẽ tổ chức thức hiện. Hầu hết các điểm đỗ này đều là tạm thời trên lòng đường, vỉa hè nên cần phải được giải tỏa.

“Điều quan trọng nhất mà chúng tôi đặc biệt quan tâm đó là phải giữ như thế nào để tránh hiện tượng sau khi giải tỏa xong thì các lượng xe lại quay lại đỗ tạo ra các bến cóc, bến dù”- Lãnh đạo Sở GTVT nhấn mạnh.

Trường ĐH, CĐ vẫn còn cơ hội “nhởn nhơ”
 
Liên quan việc các trường ĐH, CĐ dường như vẫn “nhởn nhơ” trước quy định khung giờ học mới của thành phố, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Đối với các trường thuộc quản lý của UBND thành phố thì đã có chỉ đạo, còn các trường khác Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản yêu cầu chung”.
 
Trong khi đó lãnh đạo Vụ công tác HS,SV và Vụ ĐH (thuộc Bộ GD-ĐT) lại khẳng định: Theo quy định về phân cấp thì UBND thành phố Hà Nội hoàn toàn có quyền can thiệp để áp các trường thực hiện theo quy định. Phía Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của các trường để từ đó kiến nghị các giải pháp phù hợp để đảm bảo không làm xáo trộn công tác cũng như chất lượng đào tạo.
 
Một trong những nguyên nhân khiến các trường “phớt lờ” quy định đổi giờ của thành phố là do tính đặc thù học nhiều ca theo hình thức tín chỉ. Nếu ca chiều kết thúc quá muốn sẽ đẩy ca tối (hệ tại chức, liên thông…) rơi vào tình trạng học... giữa đêm khuya.

Nguyễn Hùng